Những ngày này, ai có dịp đến ấp 9, xã Khánh Thuận sẽ dễ dàng bắt gặp không khí nhộn nhịp của người dân khi bước vào vụ thu hoạch tôm càng xanh.
Năm nay, trên địa bàn xã Khánh Thuận có hơn 150ha nuôi tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa được bà con đồng loạt thu hoạch.
Tôm càng xanh đạt năng suất từ 150 - 200kg/ha, với giá bán dao động từ 120.000 - 125.000 đồng/kg.
Theo người dân, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cao, ngoài các khâu cải tạo đất, nguồn nước, con giống, khâu cho ăn cũng đóng vai trò rất quan trọng, quyết định rất lớn đến năng suất của tôm nuôi.
Anh Đỗ Văn Hồng (ngụ ấp 9, xã Khánh Thuận) là một trong những hộ nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tiêu biểu của ấp cho biết, vụ nuôi tôm năm nay được mùa.
Kích cỡ tôm đạt 15 – 20 con/kg sau 5 tháng nuôi.
Để tôm được tươi sống và bán cho thương lái có giá cao, sau khi thu hoạch, bà con nông dân khẩn trương thả tôm vào nguồn nước sạch.
Anh Hồng phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, tôm đạt năng suất cao hơn năm ngoái. Nếu biết con tôm này sớm, giờ chắc gia đình tôi giàu luôn rồi. Năm nay không chỉ trúng mùa mà bà con ở đây còn trúng giá nữa”.
Tôm càng xanh thương phẩm của nông dân được thương lái bao tiêu sản phẩm. Do đó, tôm càng xanh dễ tìm đầu ra và có giá trị kinh tế cao. Mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh vụ lúa đạt năng suất, sản lượng cao đem lại niềm vui cho người nông dân. Từ những hiệu quả thực tế, mô hình cần được các cấp, các ngành và người dân quan tâm nhân rộng trong thời gian tới.
Một khi mô hình này được nhân rộng, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế gia đình mà còn trở thành tiền đề để huyện U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung thực hiện thắng lợi đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.