Trong những năm qua, đáp ứng đường lối chủ trương của ngành, tăng cường đánh bắt xa bờ, giảm đánh bắt gần bờ, nhiều tàu cá hiện đại, công suất lớn đã được ngư dân đóng và hạ thủy để khai thác thủy sản. Đặc biệt có một số tàu đóng theo Nghị định 67/2014- NĐ-CP trên tàu gần như được trang bị hết các thiết bị vật tư phục vụ cho khai thác thủy sản hiện đại như thiết bị định vị vệ tinh, máy dò cá, hệ thống lạnh và máy lọc nước biển thành nước ngọt,…
Tuy nhiên phương pháp bảo quản thủy sản hiện nay vẫn là dùng đá để bảo quản. Việc bảo quản thủy sản bằng đá nên chi phí cao và chất lượng thủy sản chưa được đảm bảo. Trung bình một chuyến biển ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương chịu phí tổn các loại từ dầu, đá, nước sinh hoạt, nước uống là 80.000.000 – 100.000.000 đồng trong đó chi phí dầu nhớt, đá bảo quản cá chiếm phần lớn chi phí.
Để áp dụng các phương pháp bảo quản hiện đại vào sản xuất, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã đầu tư kinh phí, phối hợp với Chi cục Thủy sản triển khai xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản thủy sản trên tàu cá”.
Công nghệ Nano là gì?
Nano UFB (Ultra Fine Bubble) là công nghệ bảo quản hiện đại giúp ngư dân có thể giữ tươi con cá sau đánh bắt tốt hơn các cách làm cũ. Nano UFB là công nghệ tạo bóng khí siêu nhỏ có đường kính nanomet. Khi thiết bị hoạt động sẽ cấp khí nitơ vào máy tạo bong bóng siêu nhỏ, được hòa trộn ở bên trong thiết bị nhờ các cơ cấu ống nano, tạo thành dung dịch chứa bong bóng khí nitơ kích cỡ nanomet, mang điện tích âm có tác dụng hút các chất hữu cơ khác mang điện tích dương làm sạch nước rất hiệu quả.
Nano UFB (Ultra Fine Bubble) là công nghệ bảo quản hiện đại giúp ngư dân có thể giữ tươi con cá sau đánh bắt tốt hơn các cách làm cũ. Ảnh Water design Japan
Các bong bóng nano nitơ sẽ khử oxy hòa tan trong nước, làm giảm hoạt động và phát triển của vi khuẩn hiếu khí, do đó loại bỏ quá trình oxy hóa từ bề mặt ngoài vào đến tận bên trong cơ thể cá, giúp cá được bảo quản tốt, ngăn chặn được tình trạng thịt cá bị ôi, biến chất.
Hệ thống ứng dụng công nghệ nano UFB gồm 3 máy: máy tạo khí nitơ, máy tạo bong bóng nano nitơ và máy tạo bọt khí nano nitơ. 78% khí nitơ trong không khí sẽ được hút và tách ra tỉ lệ 99,9%. Sau quá trình tách, khí nitơ sẽ được biến thành các phân tử kích thước nhỏ hơn 100nm, rồi theo ống dẫn vào hầm chứa cá, trung hòa với nước biển lạnh gồm nước biển độ mặn 35‰ và đá lạnh theo tỉ lệ 1:2 tạo thành môi trường độ mặn 25‰ tương tự độ mặn của cá.
Bọt khí nano nitơ được sinh ra với hiệu ứng hấp thụ sẽ khử toàn bộ oxy hòa tan trong nước. Khi đó hàm lượng oxy hòa tan trong hầm chứa gần như bằng 0. Môi trường không có khí oxy, nhiệt độ thấp từ -1 đến -1,50C khiến các phân tử hiếu khí gần như ngừng hoạt động rất thuận lợi bảo quản cá.
Ngoài ra, bọt khí nano nitơ với kích thước siêu nhỏ thấm sâu vào bên trong thịt cá, cô lập oxy, ngăn quá trình oxy hóa chất béo từ bề mặt ngoài và bên trong cơ thể cá, giúp cá giữ độ tươi lâu hơn trong quá trình bảo quản. Đặc biệt, mức tiêu thụ điện thấp do máy chỉ chạy khoảng 3 giờ trước khi cho cá vào và cứ bốn ngày chạy trong một giờ để duy trì hoạt động.
Kết quả triển khai
Năm 2021, Trung tâm cũng đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh để thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản thủy sản trên tàu cá, 2 tàu cá tham gia chuỗi liên kết khai thác, tiêu thụ cá ngừ đại dương ở Thị xã Hoài Nhơn.
Công ty thu mua cá tại Cảng. Ảnh NTN
Theo các chủ tàu cá, thiết bị gọn, dễ sử dụng, ít tốn điện. Sử dụng thiết bị nano không chỉ tiết kiệm chi phí về nước đá, còn tăng khoảng trống trên thuyền do không phải mang đá đi nhiều như trước, nhất là tiết kiệm sức lao động khi bốc dỡ sản phẩm, do cá đưa vào hầm bảo quản theo kiểu thẳng đứng khác với kiểu để cá nằm ngang rồi đắp đá lạnh như trước đây, nên không phải bóc hết các lớp đá lạnh mới đưa được cá lên bờ. Sản phẩm cá ngừ đại dương khai thác được bảo quản có chất lượng cá loại A, B+ > 70%.
Ngoài ra sau thời gian khai thác dài ngày trên biển, khi về bến các thuyền viên có tâm lý muốn nhanh chóng trở về nhà. Việc bảo quản bằng đá khi bán cá bắt buộc phải dùng nước xịt lên đá, chờ đá tan 1 phần rồi nạy đá ra khỏi lớp cá để lấy cá lên, tốn nhiều thời gian của thủy thủ đoàn, chất lượng cá cũng bị ảnh hưởng. Việc bảo quản bằng công nghệ nano sẽ lấy cá ra khỏi hầm bảo quản rất nhanh chất lượng cá được đảm bảo ngư dân rất thích
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Hải sản thì khi bảo quản bằng đá xay, khối lượng hao hụt của cá sẽ từ 1 -2%, còn bảo quản bằng công nghệ nano thì khối lượng không hao hụt. Việc áp dụng công nghệ nano trong khai thác cá ngừ đại dương đã giúp chi phí sản xuất giảm, doanh thu tăng, giá bán sản phẩm cũng cao hơn 15% do chất lượng cá tốt