Trước thực tế đó, với mong muốn môi trường nuôi tôm Cà Mau sạch bệnh để đời sống bà con ngày càng phát triển, đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu trong tỉnh, doanh nhân trẻ Trần Minh Khôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ tin học Minh Khôi đã mạnh dạn ứng dụng phương pháp nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ nano.
Công nghệ này được Công ty CP Hustronics thử nghiệm thành công ở các tỉnh: Quảng Trị, Bến Tre, Sóc Trăng… Hiện có nhiều huyện trong tỉnh đang thí điểm nuôi tôm công nghiệp theo công nghệ này bước đầu đạt hiệu quả khá cao.
Anh Trịnh Thanh Tân ở ấp Tân Hồng, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, có 500 m2 đất, thả nuôi hơn 40.000 con tôm thẻ giống theo quy trình kỹ thuật của công nghệ nano. Sau gần 3 tháng nuôi, anh thu hoạch, tôm đạt từ 75-80 con/kg, trừ chi phí anh còn lãi hơn 80 triệu đồng.
Còn tại khóm 6, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, ông Nguyễn Văn Hương đang nuôi 2 ao với diện tích khoảng 1,5 ha. Tôm được 30 ngày tuổi, hiện đang phát triển tốt.
Đây là hình thức nuôi tôm theo công nghệ mới, sau khi cải tạo ao đầm như các hình thức nuôi tôm công nghiệp khác, lấy nước vào ao nuôi trên 0,1 m, dùng than hoạt tính ngâm 4-5 ngày với 30 kg/1.000 m3. Trước khi thả tôm giống, dùng nano bạc kháng khuẩn pha đều và tạt khắp ao. Ngoài ra, còn dùng TiO2 + oxy già đánh đều 1 lần/ngày.
Sau khi tôm được 7 ngày nuôi thì dùng nano bạc trộn đều với thức ăn, cứ 2 ngày làm 1 lần, mỗi lần 150 ppm/kg. Từ ngày thứ 30 trở lên thì giảm xuống còn 100 ppm/kg. Bên cạnh đó, còn có thể bổ sung men vi sinh và vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Nuôi tôm theo quy trình nano colpa tạo nên môi trường sạch, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, cho năng suất và lợi nhuận cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Bà Lâm Ngọc Quyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Minh Khôi, cho biết, thời gian tới công ty dự kiến xây dựng phòng kiểm tra môi trường nuôi tôm, sau đó sẽ xây dựng nhà máy sản xuất than hoạt tính, nhà máy chiết xuất sản phẩm nano.
Đồng thời sẽ mở nhiều lớp tập huấn hơn nữa theo mô hình này tại các huyện trong tỉnh, với mong muốn ngày càng có nhiều người dân hiểu và tiếp cận loại hình nuôi này./.