Theo đánh giá của nhiều nông dân, đây là mô hình có hiệu quả và triển vọng, tập hợp được lao động nhàn rỗi, tận dụng những khu đất trống không sử dụng đến, tạo ra giá trị kinh tế để tăng thu nhập.
Anh Tạ Hoàng Lực, ấp Tân Long B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi nuôi sò huyết trong vuông tôm từ năm 2016, đến năm 2017 anh bắt đầu ươm sò giống. Thấy mô hình có hiệu quả nên nông dân ở xã đã học hỏi nhau cùng thực hiện. Anh Lực ươm trong diện tích 3,5 ha, với 1 kg sò huyết giống (sò cám), loại 100.000 con/kg, giá 15 triệu đồng/kg. Sau 4 tháng thả nuôi, sò đạt 3.000-4.000 con/kg cho thu hoạch. Với giá bán trên thị trường dao động trên dưới 120.000 đồng/kg, anh Lực thu lãi trên 100 triệu đồng sau khi trừ tiền con giống mỗi vụ.
"Nuôi sò huyết không cần vốn đầu tư lớn, lại không tốn nhiều công sức chăm sóc, hơn nữa do nuôi sò theo hình thức tự nhiên nên chất lượng thịt thơm ngon. Nếu sò nuôi đạt trọng lượng càng lớn sẽ bán được giá càng cao", anh Lực nói.
Theo anh Lực, trong quá trình nuôi phải tiến hành san thưa sò giống. Phải cho sò dần thích ứng với môi trường sống mới, độ mặn tốt nhất là 28-30 phần ngàn. Nuôi thưa có thể thực hiện bằng cách mở rộng diện tích và thường xuyên thay nước ra vào, mục đích là thúc đẩy sự tăng trưởng của sò. Sò giống có khả năng di chuyển ngang mặt nước, chúng di chuyển nhiều nhất khi có kích cỡ dưới 0,1 cm. Lúc này người nuôi sò phải để ý xem sự phân bố của sò giống có đều hay không, tránh trường hợp sò bị dồn lên mé bờ quá nhiều khi nước rút xuống sò sẽ dễ bị chết, vì thế tốt nhất phải căng lưới mành chu vi hết diện tích nuôi để tránh trường hợp sò lên mé và tránh làm mồi cho các loài khác.
Phát huy kết quả đạt được, mô hình ươm và nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm được nông dân huyện Đầm Dơi tiếp tục duy trì và nhân rộng. Nhiều địa phương còn thành lập tổ hợp tác nuôi sò huyết, nhằm hỗ trợ nhau về vốn và chia sẻ kinh nghiệm. Anh Lực chia sẻ: “Sò huyết dễ nuôi, tuy nhiên, không phải vùng nào nuôi sò huyết cũng thuận lợi. Nuôi sò phải đảm bảo lấy được nước ra vào thường xuyên để cải tạo môi trường. Sò huyết ăn phù sa, vì vậy, chúng phù hợp với nơi có thuỷ triều lên xuống. Càng gần cửa biển, càng dễ nuôi. Tân Tiến cũng là một trong những địa phương thích hợp nuôi sò, nhờ đó mang lại hiệu quả cao”.
Ông Trương Hoàng Nam, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm ấp Tân Long B, xã Trần Thới, tâm sự: "Thời tiết từ đầu năm đến nay khá ổn định, cộng với lượng phù sa trên các tuyến kinh rạch dồi dào, khi lấy nước cấp vào vuông tôm tạo được nguồn thức ăn tự nhiên giúp sò huyết phát triển, hứa hẹn vụ mùa bội thu".
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mô hình nuôi sò huyết giống xen canh trong vuông tôm quảng canh truyền thống không ảnh hưởng đến các đối tượng thuỷ sản khác trên cùng diện tích, mà còn giúp bà con nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng. Ngành chuyên môn đang khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình này, nhất là những nơi có điều kiện thuận lợi như huyện Đầm Dơi.