Ao lót bạt đáy và sự cải tiến không ngừng
Nuôi tôm thẻ chân trắng với ao lót bạt đáy ra đời đã mở ra việc thiết kế lại ao cho phù hợp. Về tỷ lệ diện tích ao nuôi/ao lắng, trước đây nuôi ao đất thường 60/40 hoặc 70/30, thì với ao lót bạt đáy chỉ còn 20/80 hoặc 25/75. Các ao nuôi lót bạt đáy còn được thiết kế hình tròn, ở giữa trũng để tiện xiphong chất thải ra ngoài. Từ ao tròn chìm, nâng lên ao tròn nổi không sắt hoặc bê tông để tiện chăm sóc, xử lý các phát sinh. Đặc biệt, mật độ thả nuôi rất cao, 150 - 300 con/m2 và nuôi nhiều giai đoạn, nên năng suất có thể đạt 5 - 8 tấn/1.000 m2, tức là khoảng 50-80 tấn/ha diện tích ao nuôi.
Cải tiến chưa dừng lại mà phát triển không ngừng để phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng, cách nuôi và những đòi hỏi mới của thị trường. Diện tích ao lót bạt đáy được mở rộng lên 2.500 - 3.000 m2, sâu 2 - 3 m để nuôi mật độ cao.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta là ông Hoàng Thanh Vũ, người phụ trách vùng nuôi 550 ha, giải thích: “Mật độ nuôi tính theo mét khối nước nên ao sâu hơn có thể thả nuôi mật độ cao hơn. Đồng thời, ao sâu hơn cũng giúp con tôm bơi lội thoải mái hơn, có nơi trú ẩn an toàn, không bị sốc mỗi khi xảy ra biến động của thời tiết hay môi trường nên tôm sống và tăng trưởng tốt hơn”.
Ao lưới đáy thích hợp vùng đất khó
Theo nhiều người nuôi tôm, ao bạt bờ, lưới đáy xuất hiện vào cuối năm 2016 ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, nhưng khi đó ao lót bạt đáy đang thành công nên ít được chú ý. Vài năm nay, yêu cầu giảm giá thành tôm nuôi đặt ra bức thiết thì ao bạt bờ, lưới đáy mới phát triển và cho nhiều thành công, nhất là giúp vượt qua khó khăn năm 2023 vừa qua.
Ao tôm được phủ lớp bạt sau đó tiếp tục gắn cái thiết bị nuôi. Ảnh: Tấn Bảo
Tính chi phí đầu tư cho 1.000 m2 ao nuôi, nếu lót bạt đáy tốn 20 - 30 triệu đồng thì lưới đáy chỉ tốn khoảng 3 triệu đồng. Chi phí đầu tư thấp và còn dễ vận hành bởi ao lưới đáy không thay nước như ao bạt đáy mà chỉ cấp bù sau mỗi đợt xiphong, nên diện tích ao nuôi có thể nâng lên gấp 3 - 4 lần diện tích ao chứa nước. Ao lưới đáy chủ yếu sử dụng quạt để tạo ôxy và dòng chảy, giảm được tiền điện so với ao bạt đáy.
Các ao lưới đáy đang được người nuôi làm khá sâu, từ 2,5 - 3 m. Nhờ đó, thả giống mật độ 200-300 con/m2 vẫn có khả năng đảm bảo nước trong sạch, có nguồn vi sinh tốt, không để bị dịch bệnh tấn công. Ao lưới đáy rộng và sâu nên nhiều người nuôi đã cải tiến thêm, đặt vèo tôm giống ngay trong ao nuôi. Vèo để ương dưỡng tôm giống lúc còn rất nhỏ, với mật độ ương khoảng 10.000 con/m2, ương 7-10 ngày sẽ thả ra ao nuôi. Việc vèo này có lợi là tôm giống được ương dưỡng tại ao, nên khi thả tôm ra ao nuôi không bị sốc.
Lót bạt giúp ao không bị nhiễm phèn từ đất. Ảnh: Tấn Bảo
Đặc biệt, một số nơi xa nguồn nước và đất nhiễm phèn nặng, hầu hết ao nuôi tôm lót bạt đáy đã thất bại nhưng ứng dụng ao lưới đáy thì thành công. Vùng đất ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An là một điển hình mà vài tờ báo đã giới thiệu. Tại đây, ông Lê Ngọc Ân nuôi diện tích 35 ha với các ao lưới đáy rộng khoảng 3.000 m2, sâu 3m, thả giống mật độ 300 con/m2, thu hoạch hơn 400 tấn tôm trong năm 2023.
Ông Ân giới thiệu: “Năm 2023, tuy giá đầu vào cao nhưng giá thành tôm loại 30 con/kg cũng chỉ 100.000 - 105.000 đồng/kg và dù giá bán ra thấp thì tôi vẫn có lời khá. Nếu bán được giá cao như mấy năm trước thì tôi lời khẳm. Tôi thấy đây là loại ao phù hợp với vùng đất này, đang mở nhiều hứa hẹn trong năm mới”.