Dấu hiệu của bệnh Vibriosis là sự hiện diện của tôm chết ở đáy ao, trước đó là sự sụt giảm nghiêm trọng mật độ của sinh vật phù du.
Theo Heny Budi Utari - một chuyên gia sức khỏe tôm từ Cục Thú y CPP cho biết một trong những dấu hiệu ban đầu để phát hiện bệnh do Vibrio là sự suy giảm nghiêm trọng của sinh vật phù du, khi bệnh xuất hiện có thể thấy tôm tập trung ở đáy ao và chết. Giải pháp mà Utari đưa ra trong trường hợp này là cần tạo điều kiện cho quần thể thực vật phát triển tốt, nhằm ổn định chất lượng nước bằng cách xi phông đáy ao và thay nước mới.
Ngoài ra, có thể bổ sung các chế phẩm sinh học như Bacillus và Lactobacillus, vitamin C hoặc các sản phẩm miễn dịch khác để cải thiện sức khỏe của tôm thay vì sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp. Utari chỉ ra rằng nếu sự cân bằng của thực vật phù du trở lại thì người nuôi có thể tiếp tục nuôi tôm lớn đến kích cỡ 20g/con sau khi nhiễm vi khuẩn Vibrio.
Utari khuyến nghị bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng cường sức khỏe cho tôm. Ảnh: Melan Hidayah
Ngoài việc tạo ra oxy và là nguồn thức ăn cho động vật trong ao, thực vật phù du còn cung cấp bóng râm trong nước giúp tôm trong ao thoải mái và khỏe mạnh. Vì tôm giống trong các trại được kiểm soát chặt chẽ, việc thay đổi môi trường trong quá trình vận chuyển đến ao nuôi có thể làm tôm bị stress. Nếu môi trường không thoải mái cho tôm, hệ thống miễn dịch của chúng có thể yếu và tạo điều kiện vi khuẩn cơ hội như Vibrios có thể phát triển. Do đó, theo Utari, thực vật phù du nên được nuôi trước khi thả tôm giống.
Tuy nhiên, những thực vật phù du này sau đó phải được duy trì ở số lượng và thành phần loài tối ưu. Hiện tượng nở hoa hoặc số lượng sinh vật phù du giảm mạnh có thể làm cho các thông số nước khác dao động mạnh. Việc thực vật phù du chết hàng loạt có thể gây căng thẳng cho tôm và khiến vi khuẩn Vibrio dễ dàng lây nhiễm và tấn công hệ tiêu hóa của chúng.
Nghiên cứu của Kamilia và cộng sự cũng cho thấy mật độ và thành phần của thực vật phù du trong ao có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của ao, cụ thể theo kết quả báo cáo thì các ao có khối lượng thực vật phù du lớn hơn cho năng suất cao hơn so với các ao có khối lượng thấp hơn, và thành phần loài thực vật phù du càng đa dạng thì càng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrios.
Bệnh AHPND do vi khuẩn Vibrio trên tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Global Seafood Alliance
Thực vật phù du trong ao nuôi có vai trò rất quan trọng, dựa vào thành phần loài tảo ưu thế trong ao nuôi có thể đánh giá được chất lượng loài nuôi. Một số nhóm tảo như tảo giáp, tảo lục,… nếu xuất hiện trong ao, tôm ăn phải sẽ khiến tôm khó tiêu hoá do vách tế bào tôm rất cứng, gây tắc nghẽn đường ruột, phân bị đứt khúc. Thể trạng tôm suy yếu luôn là nguyên nhân hàng đầu để mầm bệnh xâm nhập.
Những nghiên cứu tổng hợp bên trên cũng đã cho thấy được tầm quan trọng của việc kiểm soát và duy trì sự ổn định của thực vật phù du có thể góp phần phòng bệnh Vibrio trên tôm.
Tóm lại, tầm quan trọng của thực vật thủy sinh trong nuôi trồng thủy sản là vô cùng quan trọng, nó không chỉ đánh giá mức độ, tình trạng ao nuôi còn là những tác nhân cơ hội để các mầm bệnh có thể phát triển. Vì vậy, kiểm soát và duy trì sự ổn định của quần thể thực vật thực sự rất cần thiết, không chỉ trong cung cấp oxy và thức ăn mà còn là trong biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Nguồn: Minapoli (2022). How plankton management can help reduce Vibrios, The Fish Site, 22/01/2022