Phó Chủ tịch VASEP Trần Văn Lĩnh cho hay, Hiệp hội đã thuê luật sư thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để làm việc với Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Ông không cho biết luật sư đến từ quốc gia nào nhưng nói luật sư được thuê là người đã có kinh nghiệm với vụ kiện chống bán phá giá tôm vào Mỹ trước đây
Ông Lĩnh nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đều tham gia cung cấp thông tin theo yêu cầu của phía Mỹ.
Ngày 7-2 vừa qua, USITC khẳng định có dấu hiệu về việc ngành sản xuất nội địa Mỹ chịu thiệt hại đáng kể do hàng hóa nhập khẩu bị cáo buộc có trợ cấp trong vụ kiện chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm “Tôm nước ấm đông lạnh” nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Kết quả của việc biểu quyết này được áp dụng chung cho tất cả các bị đơn.
Ông Lĩnh giải thích, theo quy trình thì khi nguyên đơn, tức các nhà sản xuất tôm Mỹ đệ đơn kiện lên DOC yêu cầu điều tra áp thuế chống trợ cấp và lên USITC để yêu cầu điều tra thiệt hại, các cơ quan này sẽ yêu cầu bên bị đơn (gồm Việt Nam) giải trình.
Nhưng ở đây, USITC đã tiến luôn đến kết luận việc ngành sản xuất nội địa Mỹ chịu thiệt hại đáng kể do hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Do vậy, sắp tới đây, luật sư đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ chỉ làm việc với DOC theo yêu cầu giải trình của cơ quan này.
Theo Ban Phòng vệ thương mại - Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, nếu một trong hai cơ quan là USITC hoặc DOC ra kết luận phủ định về trợ cấp hoặc thiệt hại, cuộc điều tra sẽ được hủy bỏ.
Ông Lĩnh nhấn mạnh, nếu như trong vụ kiện chống bán phá giá tôm, doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò chính chống lại cáo buộc bán phá giá thì trong vụ kiện chống trợ cấp lần này, vai trò thuộc về Chính phủ.
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” đăng trên Chinhphu.vn ngày 17-2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết từ nay đến tháng 7, khi phía Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Công Thương và VASEP để triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể, các bộ sẽ hợp tác chặt chẽ với USITC và DOC cung cấp đầy đủ thông tin, đánh giá khách quan về tình hình sản xuất tôm tại Việt Nam. Phía Việt Nam cũng sẽ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp nhập khẩu tôm Mỹ để họ lên tiếng phản đối vụ kiện bất hợp lý này, cùng với đó là việc chia sẻ thông tin với 6 nước cùng tham gia vụ kiện.
Theo báo Tuổi Trẻ, DOC đã lựa chọn 2 bị đơn bắt buộc là công ty cổ phần thủy sản Minh Phú và công ty cổ phần Nha Trang Seafoods, đồng thời bổ sung thêm 4 nội dung để điều tra, bao gồm miễn giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách hỗ trợ tài chính và cho vay ưu đãi trong phát triển và sản xuất tôm giống và chính sách ưu đãi đất đai. Thời hạn công bố kết quả sơ bộ vụ kiện cũng được dời đến tháng 4, thay vì vào ngày 25-3.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục Quản lý Thương mại quốc tế Mỹ (ITA) vừa thông báo việc các bên có liên quan có thể gửi yêu cầu rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Các yêu cầu rà soát phải được gửi chậm nhất vào ngày 28-02-2013.
Sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá kể từ năm 2004 và đã trải qua 7 lần rà soát hành chính. Dự kiến kết quả sơ bộ của lần rà soát hành chính lần thứ 7 (POR7) sẽ được công bố vào tháng 3 năm 2013.