Nhà khoa học và nông dân cùng bàn luận về VietGAP. Ảnh: T.T
Ấn tượng vùng xoài Cao Lãnh
Một ngày về thăm Tổ sản xuất xoài VietGAP xã Tân Thuận Tây (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp), khi xe mới đến địa phận Cái Bè (Tiền Giang) thì điện thoại TS. Võ Mai reo vang, đầu dây bên kia hỏi TS. Võ Mai tới đâu và… nhờ bà mua giùm mấy ổ bánh mì, sau tập huấn sẽ cùng ăn nồi cà ri. Tôi hơi bất ngờ nhưng rồi cũng cảm nhận được mối quan hệ thâm tình của bà tiến sĩ với người nông dân.
Buổi tập huấn không diễn ra ở hội trường có máy lạnh cầu kỳ mà tại nhà nông dân, tổ viên tổ sản xuất. Tất cả cùng ngồi quanh bàn tròn nói chuyện về giá xoài, về phân bón mới và cả câu chuyện gia đình của tổ viên. Công việc bắt đầu khi tổ trưởng Lê Hoàng Tùng, thanh niên tre,ã báo cáo công việc đã làm, người cộng sự của TS. Võ Mai, KS. Nguyễn Thị Lệ nhanh tay kiểm tra từng trang nhật ký ghi chép và hướng dẫn nông dân quản lý và ghi lại các loại phân, thuốc sử dụng đúng cách.
Tổ có 11 thành viên là nông dân miệt vườn thứ thiệt, những người tảo tần với cây xoài với bao thăng trầm. Nay họ chuyển từ sản xuất theo kiểu truyền thống sang trồng xoài… “có trách nhiệm” - theo tiêu chuẩn VietGAP, nói vui thôi nhưng đầy ý nghĩa... TS. Võ Mai hướng dẫn họ hàng loạt các tiêu chuẩn áp dụng vào sản xuất, trong đó cốt lõi là tạo ra trái xoài chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Nghĩa là không tùy tiện sử dụng nhiều phân thuốc hay chất cấm, chất kém an toàn, có hại cho sức khỏe. Bản thân mỗi nông dân được TS. Võ Mai đôn đốc chăm lo sức khỏe khi sản xuất, từ việc sử dụng công cụ bảo hộ đến làm nơi cất giữ thuốc xa nhà. Mỗi tổ viên phải xây nhà vệ sinh riêng biệt, và phải có tủ y tế đựng thuốc cho gia đình, vệ sinh vườn cây cũng được chú trọng, không để nhếch nhác và dơ bẩn. Từng vỏ chai thuốc cũng được TS. Võ Mai nhắc nhở cho vào nơi riêng rồi tiêu hủy, trong vườn phải có khu pha chế thuốc đảm bảo xa nguồn nước, tránh tràn ra kênh mương. Những nông dân bắt đầu biết làm ăn tập thể, tổ xoài với 50.000 m2 đang áp dụng một quy trình sản xuất chung, tìm nhà phân phối phân thuốc chung với giá rẻ hơn mua lẻ bên ngoài.
Công việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP dần hình thành qua từng đợt tập huấn. Nhà đóng gói cho trái xoài VietGAP đang xúc tiến do địa phương hỗ trợ, tiến tới cấp chứng nhận. Mười một nông dân đang trông chờ một ngày thành quả của họ được ghi nhận. Những ổ bánh mì đã mềm nguội nhưng nồi cà ri vẫn nóng như chính nhiệt huyết của người dân ấp Tân Hưng, xã Tân Thuận Tây bắt tay làm VietGAP.
Mát rượi Cù lao Giêng
Chúng tôi qua phà đến xứ cù lao trái cây nổi tiếng của sông Tiền - Cù lao Giêng (H. Chợ Mới, An Giang). Con đường nhựa chạy qua những vườn trái cây rợp mát, thỉnh thoảng là những ngôi chùa lớn uy nghiêm, những ngôi nhà cổ xưa, mái đình làng cổ kính và cả một thánh đường cao lớn được xây dựng từ thời vua Tự Đức (1879) - một trong những giáo đường lớn và lâu đời nhất miền Tây Nam bộ. Ngày xưa các ông bà hay khuyên “Có con đừng gả cù lao/Lỡ mai sóng gió làm sao nó về”, nhưng nay sông nước không còn là khoảng cách nữa rồi!
Chúng tôi tới nhà anh Nguyễn Hoàng Dư, ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân, 12 nông dân trồng xoài của Tổ sản xuất xoài VietGAP Bình Phước Xuân đã có mặt. TS. Võ Mai bắt đầu công việc kiểm tra, hướng dẫn cũng như giải đáp các thắc mắc cho nông dân. Không khí buổi làm việc sôi nổi, thảo luận thoải mái để cùng thống nhất trong sản xuất. Sổ nhật ký, vẽ sơ đồ khu vườn, tuy đơn giản nhưng để ghi chép bài bản cũng là điều khó. Anh Nguyễn Hoàng Dư, tổ trưởng cho biết, tổ có 17 thành viên, để tạo sự đồng thuận và quyết tâm, tổ đặt thêm “điều lệ” là đóng phạt 100.000 đ/người nếu vắng mặt trong buổi sinh hoạt định kỳ, nếu vắng quá 3 lần thì khai trừ khỏi tổ. Với tinh thần tự giác cao nên tổ duy trì hoạt động rất tốt. Ngoài sinh hoạt mang tính kỹ thuật, các thành viên còn có dịp trao đổi lẫn nhau, chia sẻ chuyện vườn như buổi sinh hoạt cộng đồng tăng thêm gắn bó.
Gió từ bờ sông thổi mạnh lãng đãng hương hoa từ những khu vườn, với cái nhìn bình dị, anh Nguyễn Thanh Sang, tổ viên nói rằng, bà con nông dân ban đầu chỉ hiểu VietGAP đơn giản là biết trồng trái cây sạch và ở sạch khi làm vườn. Những việc trước đây như thu gom vỏ chai thuốc trừ sâu để có nơi ít khi được quan tâm, nay thì cho chúng vào nơi riêng rồi tiêu hủy chứ không còn vứt xuống kênh mương nữa. Buổi làm việc kết thúc khi nắng chiều ngả dài trên khu vườn xoài đương mùa rộ trái, mọi người tất bật ra về “canh nước” tưới vườn.
Chiếc phà nhỏ, chồng chềnh đưa chúng tôi rời xứ cù lao, nước sông bắt đầu chực lớn. TS. Võ Mai nheo ánh mắt rắn rỏi tràn đầy hy vọng: rồi đây xứ cù lao sẽ có khu vườn xoài an toàn.