Dọc theo vịnh Xuân Đài, người dân lắc thúng chai ra bè tre thu hoạch vẹm nuôi. Bước đầu họ cho bè nổi lên, sau đó rã bè ra lấy từng cây tre gác ngang qua thúng rồi dùng rựa dạt cho vẹm rớt xuống thúng. Ông Bùi Tấn đi chở vẹm, cho hay: Chúng tôi thả bè nuôi vẹm trung bình 10 tháng thu hoạch lứa đầu, bắt con lớn trước, con nhỏ chừa lại tháng sau. Mỗi bè tre kết từ 50-200 cây, quấn vải mùng hết cây tre rồi thả chìm xuống nước, sau một thời gian vẹm sẽ bám vào.
Cũng theo ông Tấn, bè nuôi vẹm phải chìm; để bè tre chìm thì phía dưới phải giằng đá. Còn sở dĩ cây tre phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Năm nay vẹm bám nhiều, trên 20 kg/cây; với giá hiện nay trung bình 30.000 đồng/kg, mỗi cây tre thu vào ít nhất 600.000 đồng. “Tôi kết bè 100 cây tre, thu được 60 triệu đồng. Thả bè “lặn” sâu xuống nước, sau thời gian vẹm bám vào thu hoạch lần đầu, về sau thu hoạch gối đầu mỗi tháng một lần, tuy nhiên những lần về sau, có khi nhiều, khi ít tùy theo thời tiết và môi trường nước”, ông Tấn nói.
Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, trải dài từ Vũng Dông, Vũng Mắm đến Vũng La. Hàng trăm người dân quanh vùng đến đây làm nghề nuôi tôm hùm. Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống, vì vậy người nuôi vẹm không lo đầu ra vì vẹm lớn bán cho nhà hàng, còn vẹm nhỏ bán làm thức ăn cho tôm hùm. Ông Phan Văn Vinh ở Vũng Mắm thả bè 200 cây tre nuôi vẹm. Mới đây, ông thu 4 tấn vẹm, lựa 1 tấn vẹm lớn bán cho thương lái với giá 35.000 đồng/kg, thu 35 triệu đồng; còn vẹm nhỏ bán sa cạ theo giá thị trường cho người nuôi tôm hùm với giá 25.000 đồng/kg.
Vẹm xuất hiện dày mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên thời gian qua, nhiều hộ dân đã treo lốp xe để nuôi hàu, vẹm xanh trên vùng biển vịnh Xuân Đài làm mất an toàn khi tàu thuyền ra vào, cản trở dòng chảy gây ô nhiễm môi trường làm cho tôm, cá nuôi bị chết. Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, những tháng qua, các vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, đều có tôm chết do bệnh sữa, đỏ thân với tỉ lệ từ 10% trên tổng đàn tôm hùm nuôi. Nguyên nhân được ngành chức năng kết luận là do môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ. Bên cạnh đó, việc thả bè tre, sử dụng lốp xe dày đặc để nuôi vẹm, hàu đã cản trở quá trình lưu thông nước, dẫn đến hiện tượng oxy trong nước rất thấp. Tổng hợp tất cả các nguyên nhân nói trên đã gây nên hiện tượng tôm hùm chết.
Việc thả bè tre, treo lốp xe để nuôi hàu, vẹm xanh, chỉ tính riêng ở khu phố Phước Lý (phường Xuân Yên) đã có 40 người thả bè trên diện tích 20ha, đây là vùng không nằm trong quy hoạch vùng nuôi vẹm, hàu nên ngành chức năng qua kiểm tra đã đề nghị tháo dỡ, đảm bảo sự phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết trước tình hình vùng nuôi bị ô nhiễm làm cho tôm hùm, cá chết, đơn vị đã tham mưu UBND thị xã chỉ đạo xử lý tình trạng cắm cọc tre, treo lốp xe trên vùng mặt nước biển vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. UBND TX Sông Cầu có công văn gửi phường Xuân Yên và các xã Xuân Phương, Xuân Lộc, Xuân Hải khẩn trương rà soát danh sách hộ dân tự phát cắm cọc tre, treo lốp xe để nuôi hàu, vẹm xanh trên các vùng mặt nước biển thuộc địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó tiến hành vận động các hộ dân tự tháo dỡ, nếu các hộ chưa tự nguyện chấp hành thì tiến hành các trình tự thủ tục để xử lý hành chính và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.