Ngoài ra, thông tin từ một số tờ báo ở châu Âu cho biết một số trường học ở Tây Ban Nha đã từ chối tiêu thụ sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Làm xấu hình ảnh cá tra Việt
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đây không phải là lần đầu tiên cá tra bị truyền thông nước ngoài nói xấu bằng những thông tin không chính xác. Trong hơn 10 năm qua, cá tra Việt Nam luôn phải chiến đấu với những chiêu thức bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Hòe dẫn chứng vào đầu tháng 1-2017, một chương trình của đài truyền hình Cuatro TV tại TP Madrid, Tây Ban Nha, phát sóng thông tin không chính xác về cá tra Việt Nam được nuôi trên sông Mekong. Theo đoạn phim này, cá tra được nuôi trong những lồng bè không sạch, thức ăn không được chế biến theo quy chuẩn công nghiệp mà từ cá chết và các loại phế phẩm khác… và quy kết rằng đó là lý do giá cá tra thấp như hiện nay.
Đây chính là lý do khiến tập đoàn bán lẻ Carrefour thông báo ngừng tiêu thụ cá tra dù tập đoàn này không đưa ra nguyên nhân cụ thể.
Ông Hòe nói tiếp: “Đoạn phim trên chỉ nói về một vài hộ nuôi cá hú chứ không phải cá tra trong lồng bè. Hơn nữa, chỉ đưa hình ảnh vài hộ nuôi cá, không đại diện cho ngành cá tra Việt Nam nhưng đã bị thổi phồng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm về ngành cá tra Việt”.
Chính vì vậy VASEP đã có công văn chính thức gửi đến đài truyền hình này để khẳng định những hình ảnh và thông tin trên phim là hoàn toàn sai lệch. Đồng thời chứng minh sự tiến bộ và tính an toàn trong mọi hoạt động nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam.
Các tổ chức chứng nhận quốc tế khuyến cáo người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra. Trong ảnh: Các doanh nghiệp nước ngoài tìm mua cá tra, thủy sản Việt tại một triển lãm quốc tế. Ảnh: QH
Bị cạnh tranh gay gắt
Dù tập đoàn bán lẻ Carrefour có hệ thống siêu thị lớn nhất châu Âu nhưng ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng, cho hay hệ thống siêu thị này tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam không lớn, nên mức độ ảnh hưởng ở thời điểm hiện nay chưa nhiều.
“Tuy nhiên, việc truyền thông một số nước có những cáo buộc, làm xấu hình ảnh cá tra tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng. Dưới sức lan tỏa của Internet và mạng xã hội, những thông tin tiêu cực này được dự báo sẽ tiếp tục tác động đến sự tiêu thụ cá tra Việt Nam thời gian tới” - ông Đạo lo ngại.
Một số công ty xuất khẩu cá tra cũng cho biết không chỉ riêng ở Tây Ban Nha, thời gian qua cá tra Việt còn bị bôi xấu ở gần 10 quốc gia như Úc, Ý, Đức, Pháp… Lý do là sản phẩm cá tra Việt ngày càng phổ biến trên thế giới và được đón nhận ở nhiều thị trường nhờ giá trị dinh dưỡng cao, giá cạnh tranh. Riêng tại thị trường châu Âu, cá tra Việt trở thành đối thủ lớn của các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái, cá tuyết, cá hoki…
Ngoài ra, cá tra Việt đang cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu cá rô phi vào châu Âu như Trung Quốc (chiếm 80% lượng cá rô phi nhập khẩu vào châu Âu), Indonesia, Thái Lan…
Vì vậy, không loại trừ khả năng các đối thủ dùng truyền thông để nói xấu cá tra Việt Nam nhằm bảo vệ hàng trong nước, cạnh tranh không lành mạnh.
Bảo vệ cá tra Việt
Để bảo vệ ngành xuất khẩu cá tra Việt, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Thương mại Thuận Phước, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần sử dụng truyền thông để quảng bá hình ảnh cá tra Việt bằng các thông tin chính xác trên kênh truyền hình chính thống, uy tín của châu Âu.
Ông Lĩnh dẫn chứng hằng năm công ty ông đều mời các nhà khoa học, chuyên gia, nhà báo của các cơ quan truyền thông chính thống tại Mỹ, châu Âu… sang tham quan. Qua đó để họ có thể “mắt thấy, tai nghe” về quy trình nuôi trồng, chế biến… sản phẩm thủy sản.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Gò Đàng, cho biết mỗi năm công ty đều dành kinh phí riêng cho hoạt động quảng cáo sản phẩm cá tra, trại nuôi, chứng nhận quốc tế về chất lượng, môi trường… trên các kênh truyền thông nước ngoài.
“Hầu hết các ao nuôi cá tra Việt Nam đều đạt chứng nhận quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt như BAP, GlobalG.A.P., ASC… Đây là một trong những bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy nhất về tính an toàn và bền vững của ngành cá tra Việt Nam” - ông Đạo khẳng định.
Các chuyên gia thuộc dự án xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA) cho biết người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng cá tra do dinh dưỡng cao, thơm ngon, không có xương ngang, dễ chế biến và giá bán phù hợp. Song khâu yếu nhất trong ngành cá tra Việt Nam hiện nay là quảng bá, xây dựng hình ảnh.
“Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Na Uy trong việc phát triển thương hiệu quốc gia cho sản phẩm cá hồi nước này” - SUPA gợi ý.
Đạt tiêu chuẩn của Mỹ
Ngày 15-2, Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) đã có thông cáo báo chí phản biện thông tin sau khi một số nhà bán lẻ ở châu Âu đã quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam. Cơ quan này cho biết khi nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC như tại Việt Nam, người mua và người tiêu dùng có thể tin tưởng khi ăn loại cá này.
“Với tất cả tiêu chuẩn của ASC, không có loại kháng sinh nào trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới về kháng sinh gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người được sử dụng tại trang trại cá tra” - ASC thông tin.
Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) cũng vừa lên tiếng nhấn mạnh rằng dựa trên các tiêu chuẩn mang tính khoa học, các cuộc thẩm tra độc lập, khắt khe, cá tra được chứng nhận là một sự lựa chọn an toàn và có trách nhiệm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra. Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã đạt được các chứng nhận quốc tế ở mức cao như tiêu chuẩn nuôi cá tra bền vững (PAD) của Mỹ hoặc tiêu chuẩn ASC của châu Âu…
________________________________
Các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật. Những thông tin tiêu cực trong những chiến dịch chống cá tra đã bị các nghiên cứu khoa học và truyền thông phản đối.
Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA)