Trong suốt hai năm 2017-2018, có thể nói đây là khoảng thời gian hoàng kim của ngành cá tra Việt Nam khi cả thị trường xuất khẩu, lẫn giá cá nguyên liệu đều tăng cao, giúp doanh nghiệp xuất khẩu và khu vực nuôi đều lãi đậm.
Chẳng hạn, trong năm 2018, giá cá tra nguyên liệu có lúc đã vượt lên 36.000 đồng/kg, mức cao lịch sử của ngành này từ trước đến nay, giúp người nuôi lãi từ 6.000-10.000 đồng/kg cá nguyên liệu sản xuất ra. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỉ đô la Mỹ, tăng trên 26% so với 2017, giúp hàng loạt tên tuổi như: Công ty cổ phần thủy sản Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Sao Mai hay Công ty cổ phần thủy sản Biển Đông..., thu về kết quả doanh thu, lợi nhuận ngoài mong đợi.
Thậm chí, mới đây vào ngày 15-2-2019, tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành cá tra năm 2019 diễn ra tại An Giang, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhấn mạnh, thành công của ngành cá tra Việt Nam năm 2018 là một kỳ tích, là chiến thắng vang dội cho cả doanh nghiệp lẫn người nuôi.
Từ kết quả trên, Bộ trưởng Cường tự tin đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với 2018.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn một tuần trở lại đây, giá cá tra nguyên liệu đã quay đầu sụt giảm mạnh, trong khi doanh số bán hàng cũng lao dốc.
Cụ thể, thông tin từ bà con nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, giá cá tra nguyên liệu hiện chỉ còn dao động quanh mức 24.000-25.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất đã đạt được của năm 2018. Đây cũng là mức giá xấp xỉ khiến người nuôi rơi vào cảnh phá sản do giá cá giống đã đầu tư trước đó quá cao, tỷ lệ hao hụt lớn.
Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, giá cá tra giảm mạnh do phía thị trường Trung Quốc mua chậm, còn thị trường Mỹ năm ngoái nhập khẩu tăng đột biến (năm 2018 xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 549,5 triệu đô la Mỹ, tăng 59.5% so với 2017) nên lượng hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm nhập.
Thực tế, theo dẫn chứng của ông Văn, đối với Công ty Vĩnh Hoàn, nếu tháng 1-2019, xuất được 6.500 tấn, trong đó, 80% xuất khẩu sang Mỹ, thì sang tháng 2 xuất khẩu chỉ đạt 3.000 tấn. Trong khi đó, đối với Công ty thủy sản Biển Đông, thì lần lượt đạt 3.600 tấn và 700 tấn trong tháng 1 và 2-2019. “Nói chung, tất cả các công ty so với tháng 1-2019, số lượng xuất đi trong tháng 2 giảm xuống chỉ còn hơn 50%, tức từ mức đạt hơn 60.000 tấn trong tháng 1, thì giảm xuống còn 38.000 tấn trong tháng 2”, ông cho biết.
Theo ông Văn, trong khi doanh số xuất khẩu của các doanh nghiệp sụt giảm, thì từ sau Tết người nuôi cá lại muốn đẩy mạnh bán ra, cho nên, các nhà máy hấp thụ không hết, thậm chí một số công ty lớn tuyên bố không mua khiến người dân hoảng loạn, giá bán giảm mạnh.
Ngoài ra, cũng theo ông Văn, trước đây thương lái Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam gom mua cá tra nguyên liệu mỗi ngày vài chục tấn, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, để gia công xuất đường biên mậu. “Tuy nhiên, do chất lượng kém, không có kiểm soát nên nhóm đó khi đưa hàng sang Trung Quốc không bán được, vì vậy, từ sau Tết đến nay họ không qua thu mua nữa cũng làm giá giảm”, ông giải thích.
Trước sức ép giảm giá như vậy, theo ông Văn, tâm lý khách hàng nhập khẩu ở cả thị trường châu Âu, châu Á tiếp tục chờ đợi giảm giá thêm cũng như việc các công ty lớn tuyên bố kế hoạch đào thêm khoảng 2.000 héc ta diện tích ao nuôi, với sản lượng dự kiến tăng 50% so với năm 2018 (1,3-1,4 triệu tấn) càng khiến tình hình xấu hơn.