3 lý do dừng nhập
Theo nguồn tin từ Bộ Công Thương, thông tin phía Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tôm xuất hiện từ khi Công ty TNHH Gia công chế biến thực phẩm nông hải sản Tường Hữu, (quận Tân Phú, TP. HCM) có công văn thông báo về vấn đề này lên Bộ.
“Lúc đầu, chúng tôi tưởng phía Trung Quốc chỉ tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tôm đối với Công ty Tường Hữu, song sau đó, thông qua Đại sứ quán Trung Quốc, tại Việt Nam, phía bạn đã khẳng định, việc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tôm tươi sống được thực hiện đối với tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam” - một cán bộ Bộ Công Thương cho biết.
Được biết, theo công văn do phía Trung Quốc gửi, có 3 nguyên nhân khiến nước này đưa ra quyết định tạm dừng nhập khẩu mặt hàng tôm, là: Các cơ quan của Trung Quốc nghi ngờ tôm của Việt Nam có mang virus bệnh hại; Chứng nhận đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam không đúng theo yêu cầu của Trung Quốc; Việt Nam chưa chuyển danh sách các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến tôm của mình cho Trung Quốc.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ này đã gửi các văn bản có liên quan tới Bộ NNPTNT để xác minh và tìm hiểu các yêu cầu của phía Trung Quốc đã thực hiện như thế nào. Thực tế, các yêu cầu của phía Trung Quốc chủ yếu liên quan tới kiểm dịch giữa 2 nước nên phải chờ thông tin từ Bộ NNPTNT.
Trao đổi với NTNN, bà Trần Bích Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản, chỉ biết có một doanh nghiệp báo tôm tươi sống bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Bộ NNPTNT đã cử một đoàn sang làm việc trực tiếp với Trung Quốc để có thông tin đầy đủ hơn về vụ việc này”.
Lo ngại tôm Việt Nam bị “bôi nhọ”
Ông Trần Văn Lĩnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng: “Cơ quan chức năng nên làm rõ nguyên nhân, mục đích của việc cấm nhập khẩu tôm nguyên liệu của Việt Nam lần này. Nếu chỉ cấm nhập khẩu vì mục đích hỗ trợ nông dân trong nước họ, thì không sao. Nhưng nếu đi cùng với việc cấm nhập khẩu, họ “bôi nhọ” chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành tôm nước nhà trên thị trường thế giới”.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Phẩm – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng bày tỏ lo lắng: Lượng nhập khẩu tôm nguyên liệu Việt Nam của Trung Quốc không lớn, lại theo kiểu “ba hồi, ba chặp” khiến doanh nghiệp không thể lường trước được.
Hơn nữa, nhiều trường hợp thương nhân Trung Quốc thu mua tôm nguyên liệu rồi bơm các loại tạp chất như thạch rau câu vào để tăng trọng lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam. “Việc hợp tác xuất khẩu giữa doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Trung Quốc thường không bền chặt, uy tín, doanh nghiệp và người nuôi tôm Việt Nam luôn ở thế bị động” - ông Phẩm nói.
Trao đổi với NTNN, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặt hàng bị cấm nhập khẩu rơi vào tôm nguyên liệu, chưa qua chế biến. Các lô hàng này chủ yếu nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới, nên việc Trung Quốc cấm nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường nước này.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, đến cuối tháng 10, tổng giá trị tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đạt khoảng 143 triệu USD, chiếm khoảng 8% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành tôm.