Thất bát nặng nề của vụ tôm năm 2011 là bài học đắc giá, cùng với kinh nghiệm nhiều năm từ một vùng nuôi trọng điểm của tỉnh, nên bước vào vụ nuôi năm nay, Vĩnh Châu đã rất chủ động trong công tác chuẩn bị. Đặc biệt là khâu tuyên truyền phổ biến lịch thời vụ, xây dựng các quy trình kỹ thuật xử lý môi trường, cải tạo ao. Ông Lê Minh Trường, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: “Ngay trừ đầu năm Phòng đã làm tham mưu cho Thị ủy, UBND thị xã về quy trình cải tạo ao nuôi cũng như thực hiện thông báo về khung lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường và mật độ thả nuôi, hạn chế những rủi ro mà những năm trước gặp phải”.
Tuy nhiên đến thời điểm này, Vĩnh Châu vẫn không tránh khỏi tình trạng nông dân thả giống sớm. Trong đó đáng chú ý là tôm sú, trong 635 ha mà bà con đã thả nuôi hiện nay thì có tới 466 ha thả giống sớm và hậu quả trước mắt là đã có 227 ha của 177 hộ nuôi bị thiệt hại, chiếm tỉ lệ 35,7%. Phần lớn tôm nuôi bị thiệt hại từ 20 đến 25 ngày tuổi, mà nguyên nhân chủ yếu theo nhận định của ngành chức năng là do: thời tiết bất thường, nhiệt độ tăng giảm đột ngột, xáo trộn môi trường, làm tôm giảm sức đề kháng, ăn yếu dẫn đến bị sốc và thiệt hại. Dù mức độ và nguyên nhân gây thiệt hại chưa đến mức nghiêm trọng như vụ nuôi năm 2011, đặc biệt là bà con đã ý thức hơn trong việc thả giống theo lịch thời vụ, vì diện tích thả nuôi hiện nay ở Vĩnh Châu chưa đầy 1/4 so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nguy cơ về một mùa tôm thất bát đã bắt đầu xuất hiện; chính vì vậy làm thế nào để tránh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất mức độ thiệt hại khi bà con bắt đầu thả rộ con giống, là điều cần phải tính toán hiện nay.
Ông Lê Minh Trường, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Phòng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thị xã trong công tác kiểm tra giống và các đại lý kinh doanh thuốc thú y, thức ăn. Riêng thị xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân không sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật trong chăn nuôi”. Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hướng tới thị xã cần làm những việc sau: phải chấp hành khung mùa vụ; khuyến cáo bà con trong thời gian ngắt vụ nên nuôi luân canh xen canh để chỉ nuôi tôm một lần trong năm nhằm làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường, vì chúng ta nuôi tôm công nghiệp quá nhiều năm; phải kiểm soát toàn bộ những sản phẩm thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, cách xử lý môi trường; phải hạn chế đến mức thấp nhất các nghề cấm trên sông rạch như: đăng, đó, nò…làm cản dòng sông, làm bồi lắng cũng như làm cho nguồn nước không được thông thoáng”.
Nghề nuôi tôm sú vốn mang nhiều may rủi. Tuy nhiên nếu tuân thủ đúng các quy trình từ chọn con giống, cải tạo ao, xử lý thuốc đúng cách, bảo đảm nguồn nước, môi trường và đặc biệt là tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, thả giống vào thời điểm thích hợp thì sẽ hạn chế rất nhiều chuyện rủi ro. Tuy chưa đến mức báo động, nhưng nguy cơ về một mùa tôm khó khăn đã bắt đầu hiện hữu mà không riêng gì ở Vĩnh Châu. Điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành và ý thức của chính hộ nuôi trong việc chấp hành chủ trương, giải pháp kỹ thuật đúng đắn của ngành chức năng thì mới mong có một mùa tôm thắng lợi.