Khó khăn trong việc tăng diện tích và sản lượng
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 453 ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh, đang thả nuôi hơn 331 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Long Hồ, Mang Thít, Vũng Liêm, Trà Ôn và Bình Tân. Số cơ sở nuôi cá tra toàn tỉnh là 206 cơ sở, trong đó có 21 công ty, chiếm 10,68% tổng cơ sở sản xuất với trên 250 ha và 185 hộ gia đình nuôi, chiếm 89,32% tổng số cơ sở sản xuất với trên 203 ha.
Theo ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, nuôi cá tra thâm canh là mô hình sản xuất hàng hoá xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, ngành hàng này nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo địa phương và các cấp, các ngành có liên quan. Ngoài ra, nghề nuôi cá tra thâm canh đã phát triển ở địa phương từ giai đoạn đầu tiên, do đó, người nuôi cá tra trong tỉnh Vĩnh Long có nhiều kinh nghiệm sản xuất và các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề nuôi phát triển tương đối đầy đủ và đồng bộ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, ngành hàng này cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, đó là do giá cá tra nguyên liệu liên tục biến động và giữ ở mức thấp trong thời gian dài nên một số doanh nghiệp, người nuôi cá tra bị thua lỗ, không còn vốn để tái sản xuất. Mặc dù hiện nay giá cá nguyên liệu đạt khá cao nhưng diện tích thả nuôi lại vẫn chưa khôi phục và phát triển nhiều do người nuôi thiếu vốn sản xuất và giá vật tư phục vụ hoạt động nuôi như con giống, thức ăn... liên tục tăng cao.
Do chất lượng con giống cá tra ngày càng giảm sút và hơn 70% con giống cá tra thả nuôi ở Vĩnh Long nhập ngoài tỉnh nên khó kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất. Đồng thời, điều kiện thời tiết trong năm diễn biến bất thường nên các yếu tố môi trường thường xuyên biến động, nhất là nhiệt độ, pH (dao động giữa ngày và đêm rất lớn) là điều kiện thuận lợi cho bệnh thủy sản phát sinh, nhất là bệnh xuất huyết, bệnh gan thận mủ trên cá tra nuôi thâm canh. Ngoài ra, việc sản xuất thủy sản trong tỉnh chủ yếu với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững nên hiệu quả sản xuất không ổn định khi có tác động không tích cực của cơ chế thị trường.
Các sản phẩm cá tra trong tỉnh Vĩnh Long chủ yếu tiêu thụ ở dạng nguyên liệu, chưa có các doanh nghiệp đầu tư tạo các sản phẩm giá trị gia tăng để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho người nuôi. Cùng với đó là nguồn lực đầu tư cho phát triển thủy sản chưa tương xứng với nhu cầu và chỉ tiêu tăng trưởng; đồng thời, quy mô đầu tư dàn trải, mô hình hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ và manh mún nên không tác động tích cực đến tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành.
Ông Liêu Cẩm Hiền cho biết thêm, do sự thiếu ổn định của ngành hàng nên ở Vĩnh Long hiện chưa có doanh nghiệp thủy sản đủ mạnh để làm đầu tàu, tiên phong đầu tư tạo bước đột phá phát triển cho ngành, đặc biệt là phát triển các mô hình nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao.
Đưa thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có cá tra
Định hướng phát triển của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới là phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó cá tra được xem là đối tượng chủ lực của tỉnh với lợi thế về sản xuất phục vụ cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ để ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng ở Vĩnh Long phát triển ổn định và bền vững hơn.
Theo đó, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định cá tra là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh và tiếp tục đầu tư phát triển ngành hàng này theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu hàng hóa; thực hành sản xuất theo các quy trình nuôi tiên tiến, đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng ngành hàng cá tra phát triển theo hướng giá trị gia tăng bền vững giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030 tại tỉnh Vĩnh Long” để hỗ trợ ngành hàng phát triển một cách ổn định trong thời gian tới. Theo ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, để cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển ngành hàng này, Vĩnh Long đã thực hiện một số dự án, đề tài trên đối tượng cá tra nuôi thâm canh và các hoạt động này đã có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành hàng thời gian qua.
Nổi bật nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện thành công Dự án “Đầu tư hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn Ứng dụng theo Quy trình Global GAP/ASC giai đoạn 2011 - 2015”. Dự án đã hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn theo quy trình nuôi tiên tiến (BMP/VietGAP/GlobalGAP/ASC) và đã phổ biến rộng rãi cho người nuôi cá tra trong tỉnh áp dụng, thực hành quản lý và nuôi tốt, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hoá chất kháng sinh trong quá trình sản xuất.
Tiềm năng mặt nước nuôi thả thủy sản ở Vĩnh Long là rất lớn. (Ảnh: K.V)
Bên cạnh đó, để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng đang triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình giám sát và cảnh báo tự động chất lượng nước trong ao nuôi cá tra thâm canh giai đoạn 2018 - 2020” nhằm hỗ trợ cho các cơ sở nuôi cá tra có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng nước trong ao nuôi một cách chủ động và kịp thời, từ đó đưa ra những phương án ứng phó một cách chủ động, nhanh chóng góp phần phát triển nghề nuôi cá tra theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường, hạn chế bệnh xảy ra và mang lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng đang đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng mô hình vùng nuôi cá tra liên kết sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm giai đoạn 2019 - 2020” với mục tiêu xây dựng các vùng nuôi cá tra tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và truy xuất được nguồn gốc; đảm bảo cung cấp sản phẩm thủy sản an toàn cho người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế; đồng thời, làm cầu nối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để góp phần ổn định và nâng cao giá trị của sản phẩm cá tra.
Bên cạnh các dự án hỗ trợ ngành hàng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo ngành hàng phát triển ổn định, theo đúng quy hoạch và các quy định có liên quan; kịp thời hỗ trợ sản xuất, cung cấp cho người nuôi các thông tin về thị trường, thông tin hỗ trợ sản xuất (môi trường, dịch bệnh), cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kỹ thuật nuôi tiên tiến… Với sự quan tâm của các ngành các cấp ở địa phương và sự nhiệt tình, tâm huyết của người nuôi thủy sản trong tỉnh mà Vĩnh Long vẫn duy trì tương đối ổn định hoạt động nuôi cá tra trong giai đoạn khó khăn vừa qua.