Giảm hao hụt, chủ động nguồn nước
Nói về việc chọn thử nghiệm nuôi cá điêu hồng “trên bờ”, anh Nguyễn Huy Hùng- chủ cơ sở nuôi cá điêu hồng lót bạt (xã Phước Hậu, Long Hồ) chia sẻ: Thời gian trước tôi cũng có nuôi cá dưới sông, nhưng biến đổi khí hậu, khô hạn và mặn xâm nhập sâu vào các vùng nước ngọt đã ảnh hưởng không ít cho việc nuôi trồng.
Bên cạnh đó, nghề nuôi cá trên sông, bè cũng đang gặp nhiều khó khăn về kiểm soát dịch bệnh và nguồn nước. Do đó, với sự hỗ trợ đầu tư của Công ty C.P Việt Nam (chuyển giao kỹ thuật từ con giống đến thức ăn), tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi cá điêu hồng trên ao nổi lót bạt này.
Theo đó, mô hình có quy mô 5.000m2 và được chia ra thành 12 ao (bể) nuôi (gồm 6 bể lớn 180m3 và 6 bể nhỏ 100m3). Mật độ thả nuôi từ 50- 56 con/m3, được áp dụng kỹ thuật nuôi chia theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1: từ lúc thả con giống đến 30 ngày, chuyển sang giai đoạn 2: tiếp tục nuôi thêm 30 ngày và kế tiếp nuôi giai đoạn 3: đây là giai đoạn nuôi lên cá thịt. Theo anh Hùng, một vụ nuôi cá điêu hồng theo hướng công nghệ cao này kéo dài từ 6- 7 tháng. Hiện, anh Hùng đã nuôi được hơn 1 năm và đã có 2 lần thu hoạch cá, đang chuẩn bị thu hoạch lần 3. Trung bình 1 bể lớn thu hoạch 3 tấn cá, bể nhỏ 1,5- 1,8 tấn cá.
Theo anh Hùng, so với nuôi cá bè, nuôi cá trên bể bạt có một số thuận lợi hơn, như: giảm tỷ lệ hao hụt cá, giảm chi phí thức ăn, không sợ nước nhiễm mặn, thiên tai, sạt lở,… “Ban đầu, mô hình đã cho kết quả khá thành công vì chủ động nguồn thức ăn bằng công nghiệp và kiểm soát được nguồn nước nuôi trong hồ bằng hệ thống máy móc hiện đại. Từ đó giúp cá mau lớn, tỷ lệ sống cao và ít bệnh hơn so với nuôi cá theo truyền thống khoảng 80- 85%. Quan trọng là cho ra sản phẩm cá đạt chất lượng cao, đồng đều và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”- anh Hùng cho hay.
Đánh giá về mô hình này, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, cho biết: Mô hình nuôi cá điêu hồng theo hướng công nghệ cao trong ao (bể) nổi tròn, có lót bạt được xem là bước tiến mới với nhiều tiềm năng và triển vọng, có thể khắc phục được nhiều hạn chế so với điều kiện phải nuôi trong lồng bè trên sông rạch, tạo được sản phẩm đạt chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc.
Mô hình nuôi cá trong bể bạt- thêm hướng đi mới cho ngành nuôi thủy sản. Ảnh Trà My
Từng bước hoàn thiện kỹ thuật nuôi
Tuy nhiên, anh Hùng cũng cho rằng mô hình này chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn. Trước hết là chi phí đầu tư cao, nặng chi phí tiền điện, chưa kể độ bền tuổi thọ của bể bạt chỉ 5- 6 năm, kèm theo đó là những rủi ro khi gặp sự cố mất điện, dễ thiệt hại cá với số lượng lớn. “Trong khi đó, so với năm trước giá thức ăn cho cá năm nay cũng đã tăng 2.000- 3.000 đ/kg cá thành phẩm. Với mức giá cá điêu hồng hiện tại 33.000- 35.000 đ/kg thì nuôi ở mức huề vốn, hoặc lời rất ít”- anh Hùng chia sẻ.
Theo ông Phước, bên cạnh những ưu điểm, mô hình cũng gặp khó khăn là vốn đầu tư lớn, chi phí điện cao, do sử dụng nguồn điện lớn nên điện thường xuyên không ổn định. Do đó, để mô hình phát triển ổn định và bền vững, đòi hỏi người nuôi phải hoàn thiện kỹ thuật nuôi hơn, có sự đầu tư bài bản hơn.
Thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ, đầu tư xây dựng một số mô hình nuôi thủy đặc sản, huyện cũng tăng cường triển khai thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững và an toàn sinh học, nâng cao chuỗi giá trị.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Hùng cho hay bên cạnh nuôi cá điêu hồng, sẽ thử nghiệm nuôi cá lóc trong bể bạt.
“Tôi rất tâm huyết với mô hình này. Tuy còn gặp khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ cũng chưa thật sự ổn định do dịch bệnh nhưng thời gian tới nếu có thêm sự hỗ trợ từ ngành chức năng về giá điện, liên kết hỗ trợ thị trường tiêu thụ, ổn định giá cá, tôi vẫn sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này. Song song đó, tôi cũng tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi để đạt hiệu quả cao nhất”- anh Hùng bày tỏ.