Thời gian gần đây, vùng biển ven bờ thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa nhiều ngư dân dùng hàng chục chiếc tàu cào sò, làm môi trường biển bị hủy hoại, nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Thực trạng này gây nhiều bức xúc với người dân địa phương.
2 tháng gần đây, khu vực ven bờ phía Bắc vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thắng xuất hiện hàng chục chiếc tàu từ nơi khác đến hành nghề cào sò. Trên chiếc tàu có một thiết bị bằng kim loại, như dạng cái rọ dài khoảng 2m, với hàng chục lưỡi cào dài 30cm. Khi tàu hoạt động, những lưỡi cào này cắm sâu dưới dáy biển để cào, móc, dồn tất cả các loài ở tầng đáy như cua, sò... vào miệng rọ. Vùng biển Vạn Thắng vốn yên tĩnh nay trở nên náo nhiệt.
Một người cào sò cho biết trước đây hành nghề ở thị xã Cam Ranh nhưng bị các cơ quan chức năng truy đuổi nên đã chuyển ra khu vực này hành nghề. Mỗi đêm cào sò tốn khoảng 20 lít dầu nhưng thu về đến 3 triệu đồng nên rất nhiều người tham gia: “Mới đầu chục chiếc, sau làm ngon kéo ra đông 5-6 chục chiếc. Sáng vô mua đồ ăn, đồ uống xuống ở dưới ghe đi biển luôn. Cứ cào xuống chừng 10 phút kéo lên chừng 5-7 ký sò”.
Việc cào sò diễn ra trong đêm và kết thúc lúc rạng sáng. Sò được bán ngay cho người mua chờ sẵn trên bờ; loại lớn bán 30.000 đồng/kg cho các nhà hàng, loại nhỏ giá chỉ 7.000 đồng/ 1kg dùng làm thức ăn cho tôm hùm. Vì dễ kiếm tiền nên nhiều người cho tàu cày nát đáy biển ven bờ. Tàu đi qua, vùng biển trở nên đục ngầu, mặt nước nổi đầy xác các loài động vật sống dưới đáy biển.
Ông Nguyễn Chí Lem, người nuôi tôm hùm tại xã Vạn Thắng rất lo lắng khi việc cào sò có thể gây ô nhiễm vùng nước từ đó bùng phát dịch bệnh cho tôm hùm: “Cào móc lên dậy bùn đầy biển hết. Những con trùn bị chết làm vùng biển ô nhiễm thêm. Làm lưới nuôi tôm nó dơ quá nhanh. Ảnh hưởng tới tôm”.
Lãnh đạo xã Vạn Thắng cho biết, do tàu cào sò có hình dáng giống các loại tàu cá khác lại hoạt động ban đêm rất khó phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Ông Lê Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho hay: lực lượng mỏng, thiếu thiết bị nên việc tuần tra, xử lý gặp khó khăn. Khi tàu kiểm tra xuất hiện, những người cào sò lập tức dừng hoạt động hoặc cắt các lồng cào để phi tang vật chứng: “Cứ đi truy quét ở nơi này họ chạy về nơi khác. Giống như đèn kéo quân, chạy vòng tròn. Các địa phương phải chủ động, sử dụng lực lượng tại chỗ để nắm tình hình. Bây giờ khoán trắng hết cho Thanh tra thì lực lượng của Thanh tra cũng không thể đủ để thường trực trông canh”.
Việc xử lý tình trạng cào sò tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa đã và đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Đã đến lúc các địa phương cần quan tâm chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân để tránh tình trạng tàn phá môi trường, ảnh hưởng xấu đến môi trường biển và các hoạt động nuôi trồng của người dân./.