Nhờ “xã hội đen” đòi nợ
Báo NTNN ra ngày 8.12 đã phản ánh việc nhiều nông dân nuôi cá tra bị Công ty CP Việt An (An Giang) nợ cả trăm tỷ đồng tiền mua cá, dây dưa không trả... Trong đó, là người bị nợ 29 tỷ đồng, thay vì kiện Công ty Việt An ra tòa để đòi nợ, ông Cao Lương Tri (ngụ TP.Long Xuyên, An Giang) lại có đơn cầu cứu, gửi... Thường trực Tỉnh ủy An Giang. Trong đơn, ông Tri nhờ lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ sự việc để cứu gia đình ông.
Tương tự, ông Đ.V.H (ngụ thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bị Công ty Việt An nợ 87 tỷ đồng, cũng chỉ biết cầu cứu lãnh đạo tỉnh chứ không dám kiện ra tòa. Trong khi đó, ông Võ Nguyên Nam - Chánh văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, việc mua bán và nợ tiền cá là quan hệ dân sự và chính quyền không thể can thiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, tình trạng doanh nghiệp nợ dây dưa tiền mua cá của nông dân diễn ra rất phổ biến ở vùng ĐBSCL. Và có điểm chung là nhiều nông dân cũng như ông Tri, ông Đ.V.H “không dám làm lớn chuyện” (khởi kiện) vì sợ công ty phá sản thì mình cũng mất trắng tiền. Cũng không dám khởi kiện, nhưng một số nông dân khác, vì quá bức xúc đã thuê “xã hội đen” đi đòi nợ giùm.
Bán hơn 100 tấn cá, người nông dân chỉ nhận tờ biên nhận sơ sài. Ảnh: H.D
Bị doanh nghiệp “xù” 1,8 tỷ đồng tiền bán cá, cả gia đình ông H.V.T (ngụ xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú, An Giang) mất ăn mất ngủ vì ngân hàng đốc thúc thu hồi nợ. Năm 2008, ông T từng bị Công ty Gò Đàng - doanh nghiệp lớn ở Tiền Giang, thiếu 346 triệu đồng tiền bán cá. Ông kiện ra tòa nhưng đến nay vẫn chưa được trả nợ. Đến năm 2014, ông T bán cá cho Công ty Tín Phát (trụ sở tại Long Xuyên, An Giang). Công ty này trả nhỏ giọt, sau đó chốt nợ 1,8 tỷ đồng rồi ngừng trả cả năm nay. Thấy nhiều nông dân khác bị giật nợ phải thuê “xã hội đen” đi đòi giùm, ông T cũng nhờ tay anh chị tên L ngụ quận 4, TP.HCM về An Giang thu nợ giúp. Theo thỏa thuận, người đòi nợ sẽ được hưởng 15% trên tổng số tiền thu hồi. “Ông L về đòi liên tục trong 3 ngày, phía công ty trả được 200 triệu đồng. Tôi định đòi cho hết thì lãnh đạo huyện phát hiện, yêu cầu dừng cách đó. Do đó, tôi đã nộp đơn cho công an và chờ pháp luật giải quyết” - ông T cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc nông dân nhờ xã hội đen đòi nợ không phải là chuyện cá biệt (NTNN đã từng có nhiều bài phản ánh), bởi trong các giao dịch, nông dân luôn là người nắm đằng lưỡi. Phổ biến nhất hiện nay, các công ty ký hợp đồng mua cá, trả 20% số tiền sau 10 ngày bắt cá, phần còn lại thanh toán trong 1 - 2 tháng. Tuy nhiên, rất nhiều công ty sau đó đã chây ỳ, chiếm dụng vốn, trả nợ nhỏ giọt.
Không nhờ “xã hội đen”, ông La Văn Hạp ở xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, An Giang đã tự mình “bắt giữ” Giám đốc Công ty TNHH Phước Phát Lợi (Vĩnh Long) để đòi món nợ 1,126 tỷ đồng. Tiền nợ chưa lấy được, ông Hạp bị tòa án tuyên phạt 9 tháng tù (cho hưởng án treo) về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”. Bà Hà Kim Thư (vợ ông Hạp), bức xúc: “Công ty Phước Phát Lợi mua cá sau gần 2 năm không trả tiền, thay vì mỏi mòn chờ nhận tiền bán cá, chồng tôi phải nhận án tù”.
Theo ông Hạp, năm ngoái ông cũng bị một công ty khác giật nợ hơn 1 tỷ đồng. Năm nay lại bị giật tiếp nên ông bức xúc, “bắt giữ” giám đốc nhằm gây áp lực để đòi nợ, ai ngờ...
Nông dân khó càng khó
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, mấy năm nay giá cá tra nguyên liệu thường thấp dưới giá thành khiến nông dân thua lỗ kéo dài, ngân hàng cũng hạn chế cho vay dẫn tới mất khả năng đầu tư, từ đó diện tích nuôi giảm mạnh và vẫn tiếp tục giảm. Trong 850ha nuôi cá tra trên địa bàn, hiện chỉ còn khoảng 170ha nuôi cá.
Tại Cần Thơ, lúc cao điểm có 1.300ha nuôi cá tra, nay chỉ còn hơn một nửa. Diện tích ao này chủ yếu của doanh nghiệp, do chủ động được nguồn thức ăn cũng như đầu ra. Các ao cá của nông dân hầu hết bỏ trống, hoặc nuôi nhỏ lẻ một số loại cá khác. Trong khi đó, theo báo cáo của Sở NNPTNT Đồng Tháp, hơn 400ha ao nuôi trên địa bàn hiện bỏ không. Nhiều người dân rao bán ao lấy tiền trả nợ nhưng chẳng ai mua. Ông Nguyễn Văn Mách - nông dân nuôi cá tra có tiếng ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp nói: “Hơn chục năm trước chúng tôi phá bỏ vườn tược, móc đất, bơm hết ra sông Hậu để làm ao nuôi cá tra. Giờ ngành cá tra điêu đứng, muốn quay lại trồng cây thì bốn bề là biển nước, muốn lấp mỗi ha ao bạc tỷ cũng không đủ”.
Tại ao cá của ông Lê Văn Mạnh (Thới Hòa, Ô Môn, TP. Cần Thơ) máy móc bỏ lăn lóc giữa cỏ dại đến gỉ sét. Ông Mạnh kể sau nhiều vụ nuôi cá tra thua lỗ, gia đình ông đã bán đất để trả ngân hàng 1,2 tỷ đồng, hiện vẫn còn nợ 940 triệu đồng và đang tiếp tục kêu bán cái ao cuối cùng mà không được.
Theo ông Phan Văn Năm - Phó phòng NNPTNT huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), hầu như doanh nghiệp đều có vùng nuôi riêng hoặc chuyển qua làm gia công nên cá của nông dân nuôi rất khó tiêu thụ. Chẳng hạn, An Giang có 24 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá tra với tổng diện tích 684ha ước sản lượng 200.000 tấn/năm, Đồng Tháp có gần 40 doanh nghiệp với vùng nguyên liệu ước cho sản lượng 300.000 tấn/năm.
Lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, cá tra rớt giá và khó tiêu thụ do đồng euro thời gian qua giảm giá, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe hơn và ảnh hưởng từ việc rà soát thuế chống bán phá giá của phía Mỹ, trong khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
Theo Hiệp hội Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, nhiều doanh nghiệp còn nợ tiền mua cá hàng trăm tỷ đồng mất khả năng chi trả, vì vậy khi bán cá nông dân đòi “tiền trao cháo múc” ngay khiến các doanh nghiệp khó mua cá dẫn tới việc tiêu thụ càng thêm khó khăn.
Ông Trần Công Thắng –Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: Cần có tổ chức bảo vệ người dân
Trong vấn đề này chủ yếu là liên quan tới Luật Phá sản, trong trường hợp doanh nghiệp bị phá sản đã quy định rõ khi tịch thu tài sản sẽ ưu tiên thanh toán trước cho những khoản nợ nào rất cụ thể rồi. Ở đây, thiệt thòi của người nông dân là bắt nguồn từ việc thiếu thông tin, thiếu kiến thức và làm ăn chỉ tin tưởng nhau bằng chữ tín. Do đó, cần phải có tổ chức đại diện cho nông dân đứng ra đòi quyền lợi; đồng thời nâng cao năng lực cho nông dân khi tham gia vào các hợp đồng kinh tế hoặc hướng dẫn thủ tục cuối cùng là kiện ra tòa đòi lại quyền lợi của mình.
GS - TS Võ Tòng Xuân: Đừng đổ lỗi nhà nông
Có thực tế là doanh nghiệp lấy cớ nông dân không ký hợp đồng tiêu thụ nên ép giá, rồi mua thiếu. Mua xong, họ lại lấy cớ thị trường khó khăn nhằm trả tiền nhỏ giọt, chiếm dụng vốn của nông dân. Cá tra Việt Nam chiếm khoảng 95% thị phần cá tra thế giới, lẽ ra phải chi phối thị trường nhưng thực tế lại bị thị trường chi phối ngược. Chính ta hại ta khi cá tra Việt Nam gần như một mình một chợ lại liên tục bị kiện bán phá giá. Thực tế, trong vòng 10 năm qua, giá phi lê cá tra đã sụt giảm mạnh khoảng 25%. Điều này cho thấy, cung cách làm ăn của doanh nghiệp phải thay đổi trước, chứ không thể đổ lỗi cho nông dân, kêu nông dân thay đổi”. Thanh Xuân - Hữu Danh (ghi)