Ông Phan Văn Loan, ngư dân có hơn 40 năm lăn lộn trên ngư trường của tỉnh Ninh Thuận kể, trước đây ngư dân quê ông rất ngại đánh bắt xa bờ bởi nhiều rủi ro, như: dông bão, tai nạn, cướp biển... Nhưng nếu cứ quanh quẩn khai thác gần bờ thì đời sống ngư dân rất khó khăn bởi nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt.
* Tăng thu nhập của ngư dân
Sau khi tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, năm 2008 ông Loan đã đưa ra quyết định táo bạo: vay vốn đóng tàu, mua sắm trang thiết bị, ngư cụ dùng đánh bắt xa bờ, đồng thời vận động 3 chủ tàu khác cùng thành lập Tổ đoàn kết ngư dân đánh bắt xa bờ (gọi tắt là tổ đoàn kết), do ông làm tổ trưởng. Hoạt động của tổ có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tàu, thường xuyên liên lạc và hỗ trợ lẫn nhau khi đánh bắt thủy sản cũng như cứu trợ nhau lúc hoạn nạn.
Khi ra khơi, các tàu chia nhau đi theo cự ly và hành trình đã được lên kế hoạch trước, cứ thế thăm dò đàn cá. Nếu một trong số các thành viên phát hiện được đàn cá thì tùy theo trữ lượng mà tự khai thác trước, hoặc liên lạc cho các thành viên khác cùng tham gia đánh bắt nếu mật độ đàn cá dày. Thuyền nào đủ trọng tải thì đưa sớm vào đất liền tiêu thụ, còn nếu chưa đủ thì sản phẩm đánh bắt được gộp chung lại, cho 1 hoặc 2 thuyền đủ trọng tải đưa sớm vào bờ rồi lại mang nhiên liệu, lương thực, nhu yếu phẩm ra tiếp tế cho các thuyền bám biển, nhờ vậy giảm được chi phí.
Suốt quá trình đánh bắt, các thuyền giữ liên lạc thường xuyên để hỗ trợ nhau kịp thời, ngoài ra còn chia sẻ những thông tin cần thiết về ngư trường, giá cả, thị trường tiêu thụ. Ông Loan nhẩm tính, từ khi lập tổ đoàn kết, thu nhập các tàu thành viên tăng thêm 120%. Nhưng quan trọng hơn, ngư dân đã thấy tự tin, không còn đơn độc giữa biển khơi, yên tâm khi đánh bắt dài ngày.
* Đoàn kết bảo vệ biển đảo
Từ hiệu quả mô hình tổ đoàn kết của ông Loan, UBDN xã Cà Ná đã vận động thành lập thêm nhiều tổ mới, đến nay đã có khoảng 11 tổ với 43 thuyền và 516 lao động, trong đó có 31 tàu công suất lớn; đồng thời đề nghị ngư dân tham gia công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh với các hoạt động khai thác hải sản trái phép, phá hoại môi trường biển. Để hoạt động các tổ đoàn kết thêm hiệu quả, ngành thủy sản của tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 50% kinh phí lắp đặt máy dò ngang, 5 thiết bị định vị vệ tinh, các đơn vị khác cũng tặng áo phao, thuốc y tế... dùng trong sơ cấp cứu.
Cảng cá ở xã Cà Ná sau một chuyến đi biển của ngư dân.
Cũng từ các thành viên của tổ đoàn kết, Ban Chỉ huy quân sự xã đã thành lập Trung đội dân quân biển gồm 30 đội viên, phân bố đều trên các tàu của 11 tổ. Các đội viên Trung đội dân quân được tập huấn về âm mưu, thủ đoạn của địch trên vùng biển đảo của ta, huấn luyện kỹ thuật chiến đấu, xây dựng phương án tác chiến, kỹ năng tự bảo vệ và bảo vệ lẫn nhau trong các tình huống bất ngờ, đột xuất xảy ra trên biển.
“Ngư dân đánh bắt xa bờ thường đối mặt với rất nhiều khó khăn, ngoài nguy hiểm do thiên tai gây ra còn có nguy cơ rất lớn đến từ các tàu cướp biển trên vùng vịnh Thái Lan. Đã từng có nhiều trường hợp ngư dân bị cướp trắng tay, thậm chí mất luôn cả tàu. Từ lúc mô hình các tổ đoàn kết ra đời, đã giảm hẳn được nạn cướp biển nhờ các tàu liên kết bảo vệ nhau chặt chẽ. Bên cạnh đó, các ngư dân còn phát hiện, thông tin cho các cơ quan chức năng ngăn chặn được một số “tàu lạ” xâm nhập, đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam. Các hoạt động đánh bắt gây tác hại môi trường, như sử dụng giã cào tận diệt cá con, thủy sản nhỏ, đánh bắt cá bằng thuốc nổ của một số kẻ xấu cũng được ngăn chặn kịp thời, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nói chung, ngư dân xã Cà Ná luôn đi đầu trong công tác bảo vệ biển đảo. Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 45 tổ đoàn kết với 199 tàu tham gia, thì trong đó xã Cà Ná đã chiếm gần 25%. Mô hình tổ đoàn kết của xã đã được tỉnh biểu dương và nhân rộng” - ông Lê Trường Ninh, Phó ban Thi đua - khen thưởng tỉnh Ninh Thuận, cho biết.
Để gỡ khó và giảm bớt những gánh nặng cho ngư dân trong tỉnh, theo ông Đặng Văn Tín, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận, tỉnh còn hỗ trợ 50% vốn cho một số tàu làm hầm cách nhiệt để bảo vệ sản phẩm tươi khai thác dài ngày trên biển. Chi cục cũng đang xây dựng chương trình bản tin dự báo về tình hình ngư trường, để báo cho ngư dân biết vị trí và tọa độ luồng hải sản, đỡ hao tốn nhiên liệu, thời gian khi tìm kiếm đánh bắt. Sắp tới, khi được hỗ trợ lắp đặt vệ tinh quan sát ngư trường, chi cục khuyến khích ngư dân mở rộng ngư trường đánh bắt sang vùng DK1 (đảo Trường Sa) hay các vùng đảo Phú Quốc...