Nhưng hiện nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp, để vực dậy một ngành sản xuất thủy sản cho giá trị kinh tế cao.
Hậu quả từ sự phát triển nóng
Năm 2000- 2008 được cho là giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp cá tra. Trong gần mười năm, diện tích nuôi cá tra tăng năm lần, đạt 6.000 ha. Sản lượng thương mại tăng 35 lần, từ 37 nghìn 500 tấn lên 1,35 triệu tấn. Xuất khẩu tăng 35 lần từ 40 triệu lên 1,4 tỷ USD. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng năm 2008, tính bình quân một ha nuôi đạt sản lượng 183 tấn, cung cấp cho chế biến 103 tấn thành phẩm và xuất khẩu đạt 234 nghìn USD. Không có một ngành xuất khẩu nông nghiệp nào của nước ta đạt được mức tăng trưởng cao như vậy.
Nhưng từ năm 2009 đến nay, ngành công nghiệp cá tra liên tiếp rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ đổ vỡ dây chuyền. Người nuôi "treo" ao, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp buộc phải tuyên bố phá sản. Giá cá tra chạm đáy, thậm chí bị bán dưới giá thành. Doanh nghiệp nợ tiền người nuôi cá, người nuôi cá nợ tiền ngân hàng. Cái vòng luẩn quẩn ấy đang kéo cả một ngành kinh tế có giá trị lớn tuột dốc không phanh. Nguyên nhân vì đâu?
Có thể thấy, sự tăng trưởng trong vòng mười năm của ngành cá tra vừa là thành quả nhưng cũng lại chính là nguyên nhân của khủng hoảng hiện nay. Sự tăng trưởng nóng cộng với lợi nhuận do xuất khẩu cá tra mang lại đã tạo ra một làn sóng đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực này. Trong vòng năm năm, từ năm 2003 đến 2008, số nhà máy chế biến thủy sản trong vùng tăng 2,3 lần, công suất thiết kế tăng 2,7 lần, số nhà máy chế biến thức ăn tăng gấp 3,5 lần về số lượng và công suất. Tính đến cuối năm 2008, công suất thiết kế của các nhà máy toàn vùng ÐBSCL lên tới 1,2 triệu tấn, nhưng chỉ chế biến 700 nghìn tấn. Trung bình mức huy động công suất chỉ vào khoảng 55% trong nhiều năm. Tính đến nay, công suất chế biến của toàn vùng đã ở mức 2,5 triệu tấn, trong khi sản lượng cá nguyên liệu hằng năm chỉ đạt 1,2 triệu tấn. Sản xuất phát triển quá nhanh trong khi năng lực nuôi trồng và mở rộng thị trường không theo kịp đã dẫn đến "cái chết" dây chuyền của cả một loạt nhân tố. Doanh nghiệp thua lỗ, ép giá người nuôi. Người nuôi thua lỗ, treo ao. Cả doanh nghiệp và người nuôi thua lỗ làm ngân hàng mất niềm tin, gây khó trong vay vốn. Thiếu vốn, đương nhiên cả sản xuất, chế biến, xuất khẩu bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp để tự cứu mình đã buộc phải bán cá tra dưới giá thành, một lần nữa lại làm mất uy tín và hình ảnh của con cá tra trên thị trường thế giới.
Là địa phương chủ lực trong sản xuất và chế biến cá tra, An Giang hiện có 17 doanh nghiệp xuất khẩu với 23 nhà máy chế biến. Các nhà máy có công suất dao động từ 100 tấn/ngày đến 2.000 tấn/ngày. Nhưng, hiện các doanh nghiệp chỉ hoạt động từ 35% đến 45% công suất do thiếu nguyên liệu, giá xuất bấp bênh, tiếp cận vốn vay khó và sự suy thoái kinh tế diễn ra trầm trọng ở châu Âu - thị trường chính của cá tra. Hiện, rất nhiều doanh nghiệp đang thoái vốn, bán bớt nhà máy hoặc bán cổ phần cho các doanh nghiệp lớn hơn, trong khi phần lớn công nhân phải nghỉ việc luân phiên. Cùng với sự thua lỗ của doanh nghiệp thì người nuôi cũng lâm vào cảnh bần cùng khi cá sản xuất ra phải bán giá thấp. Ông Nguyễn Minh Phương - một hộ nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: Hiện các doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu với giá từ 21.000 đến 22.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân lỗ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Giá cá tra nguyên liệu dưới giá thành sản xuất kéo dài hơn ba năm qua khiến những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ đều phá sản vì thua lỗ, nợ nần chồng chất không còn vốn tái đầu tư sản xuất. Những hộ nuôi với quy mô từ hơn mười ha cũng phải thu hẹp dần diện tích. Nông dân thật khó gắn bó với nghề trong hoàn cảnh như thế này.
Tái cơ cấu ngành công nghiệp cá tra
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Nguyên nhân của sự khủng hoảng ngành cá tra hiện nay nằm ở hai mấu chốt. Thứ nhất là, sự phá vỡ quy hoạch trong nuôi trồng cũng như chế biến. Thứ hai là, sự thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng và quan hệ lỏng lẻo của quy trình sản xuất - chế biến và tiêu thụ.
Mỗi ha nuôi cá tra phải đầu tư khoảng hai tỷ đồng làm ao, bảy đến tám tỷ đồng nuôi cá. Với vốn lớn như thế, nếu sản xuất không có quy hoạch và tuân thủ quy hoạch một cách nghiêm ngặt thì chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng. Ðây là vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng nó chính là nguyên nhân giết chết nghề nuôi cá tra xuất khẩu những năm qua. Tổng Thư ký Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang Lê Trung Dũng phân tích: Với lợi thế địa lý, nghề nuôi cá tra ban đầu chỉ phát triển mạnh ở An Giang, Ðồng Tháp, Cần Thơ, nhưng chỉ vài năm, sau này phát sinh thêm ở Vĩnh Long, rồi Tiền Giang, ngay cả Bến Tre cũng ào theo nuôi cá. Diện tích, sản lượng tăng đột biến theo từng năm không có kiểm soát đã làm hỗn loạn thị trường cá tra. Trong khi đó, quy hoạch vùng thực chất đã đặt ra từ năm 2009, nhưng khi ngồi lại bàn chẳng ai chịu nhường ai. Và khi lợi ích của địa phương đặt trên lợi ích chung thì dẫu có hàng trăm đề án cũng chẳng giải quyết được.
Vì vậy, tái cơ cấu ngành cá tra trước hết cần thực hiện nghiêm quy hoạch cả về diện tích và sản lượng. Ðồng thời cần xác định rõ là lấy hiệu quả kinh tế đạt được là chính chứ không phải lấy số chỉ tiêu "sản lượng năm sau cao hơn năm trước". Như quan điểm của Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng: Ðối với ngành cá tra, không thể cứ mãi tăng về lượng mà cần chú trọng đến giá trị gia tăng. Hiện nay 99,1% lượng cá tra của Việt Nam xuất khẩu thô. Chỉ dưới 1% sản phẩm qua chế biến đạt giá trị gia tăng cao. Như vậy, dù xuất khẩu có tăng lượng bao nhiêu thì chất cũng không cải thiện được.
Không chỉ phá vỡ quy hoạch mà một bất cập lớn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện nay chính là sự thiếu liên kết giữa người nuôi - doanh nghiệp và ngân hàng. Ðể cải thiện mối liên kết này, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa cá tra vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện như chúng ta đã từng làm với mặt hàng lúa gạo. Nhà máy chỉ được cấp phép hoạt động khi có hợp đồng liên kết nông dân tạo vùng nguyên liệu. Người nuôi cần bảo đảm về chất lượng nguồn nguyên liệu, thời gian nuôi, quy trình nuôi, giá thành khi bán và nhất là không được phá vỡ hợp đồng. Theo đó, ngân hàng cũng dựa trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp và người nuôi để xem xét, ưu tiên cho vay vốn. Chuỗi liên kết thật sự sẽ là cứu cánh, giải quyết tốt vấn đề ép giá hay tạo giá ảo. Ðồng thời tạo sự yên tâm cho ngân hàng khi hỗ trợ vốn vay đối với cả doanh nghiệp và người nuôi.
Hiện, An Giang đã hình thành mô hình "Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất cá tra" được tiến hành đồng bộ với 24 thành viên, tổng diện tích nuôi tham gia hơn 28 ha tại An Giang và Cần Thơ do Công ty TNHH sản xuất thương mại - dịch vụ Thuận An tiến hành thí điểm từ tháng 8-2011 đến nay. Mô hình liên kết chuỗi giá trị khép kín với các thành viên như: doanh nghiệp cung ứng thuốc, hóa chất - doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi - cơ sở ương, nuôi giống - cơ sở nuôi cá thịt - doanh nghiệp chế biến xuất khẩu - nhà nhập khẩu. Trong đó, đầu mối là doanh nghiệp chế biến thực hiện tất cả các khâu trung gian nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Còn tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp tự đầu tư nguồn nguyên liệu hay liên kết các hộ nông dân nuôi cá tra để có nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Hợp tác xã thủy sản Thới An, quận Ô Môn đã thành công trong liên kết Công ty cổ phần Hùng Vương trong việc nuôi cá tra. Theo đó, HTX sẽ nhận nuôi gia công cho công ty với điều kiện công ty cung cấp thức ăn, bao tiêu với giá bảo đảm người nuôi có lãi. Nhờ vậy, dù giá cá tra thấp, nhiều người nuôi cá lỗ nhưng HTX nuôi vẫn có lãi và duy trì được nghề.
Tái cơ cấu ngành công nghiệp cá tra để đem lại giá trị xuất khẩu cao là việc làm cần thiết, cấp bách, nhưng cần có thời gian và lộ trình thích hợp. Còn trước mắt, để giải cứu kịp thời cho sự "lao dốc không phanh" của ngành này, Nhà nước cần có sự can thiệp mạnh tay như đưa ra một gói cho vay đối với mặt hàng cá tra với mức lãi suất thấp. Thậm chí có thể phải chấp nhận thiệt hại và chỉ có thế mới cứu được ngành sản xuất thủy sản chủ lực. Ðồng thời cũng là cứu hàng nghìn hộ nuôi cá và cả chục nghìn công nhân trong các nhà máy chế biến và xuất khẩu cá tra.