Ông Đặng Chí Đức (khu phố 4, phường 12) đang nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 2ha. Theo ông Đức, những năm gần đây, thời tiết thuận lợi cho nuôi tôm, giá cả lại ổn định nên gia đình ông có thu nhập khá, mỗi năm từ 200-300 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, việc nuôi tôm nhiều khó khăn. Vụ nuôi tôm đầu tiên của năm, ông thả giống vào tháng Giêng và cho năng suất khá cao, khoảng 10 tấn/ha. Tuy nhiên, giá tôm lại xuống thấp kỷ lục, chỉ 70-80 ngàn đồng/kg nên gia đình ông lỗ gần 30 triệu đồng. “Sau khi thua lỗ vụ đầu tiên, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào vụ tôm thứ 2. Tuy nhiên, sau khi thả giống được 40 ngày thì tôm đột ngột bỏ ăn, lờ đờ. Qua kiểm tra, tôi phát hiện tôm có nhiều đốm trắng ở đầu, ngực, bụng. Bệnh này lây lan nhanh, khiến toàn bộ gần 7 vạn con tôm tôi nuôi vụ này chết trong vòng vài ngày, gây thiệt hại gần 150 triệu đồng. Tình trạng này không chỉ diễn ra trong các ao nuôi của tôi, mà gần 10 hộ nuôi tôm khác tại phường 12 cũng bị tương tự”, ông Đức cho biết.
Ông Nguyễn Văn Sơn (khu phố 4, phường 12) cũng có hơn 1ha tôm thẻ bị chết do dịch bệnh. Ông Sơn cho biết, đa phần tôm của các ao nuôi chết là do bệnh đốm trắng. Nguyên nhân chính khiến tôm mắc bệnh là do trời mưa nhiều, ít nắng, nhiệt độ giảm, ngoài ra còn do chất lượng nguồn giống. Những năm trước, đa số người nuôi lấy giống từ các trại ở Xuyên Mộc, nhưng năm nay chuyển sang lấy của một trại giống của Vũng Tàu nên chưa thể kiểm định được chất lượng. Bên cạnh đó, một số ao, đùng nuôi tôm nằm gần một số công trình đang thi công nên chất lượng nguồn nước kém hơn mọi năm khiến tôm dễ mắc bệnh.
Trước tình hình trên, hiện nay, các hộ nuôi tôm ở phường 12 đang cải tạo, xử lý ao để chuẩn bị cho vụ tôm cuối năm. Các hộ cũng mong muốn ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật nuôi tôm an toàn, hiệu quả. Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết, trên địa bàn phường có gần 40ha nuôi tôm. Vụ vừa qua, có gần 15ha tôm bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Kỹ sư Phạm Thị Thu Nga, Phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, để phòng ngừa bệnh cho tôm, người nuôi cần chú ý theo dõi và bổ sung ôxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, đồng thời tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Ao nuôi cần có hệ thống thu gom nước mưa, tránh nước mưa xung quanh đổ dồn xuống ao, làm pH giảm đột ngột, có thể làm tôm chết hàng loạt. Đối với những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo các nhà khoa học, bệnh đốm trắng trên tôm thẻ do 1 loại virus có tên Baculovirus gây ra. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị hiệu quả đối với bệnh này, vì vậy người nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh như sau: Thả tôm giống sạch bệnh (có chứng nhận kiểm dịch của địa phương); hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, nên cấp qua ao lắng đã xử lý và nâng mực nước trong ao nuôi đạt 1- 1,2m; kiểm tra thường xuyên màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý; cách ly ao nuôi với các tác nhân có thể lan truyền bệnh (giáp xác); bổ sung vitamin C vào ao hoặc thức ăn cho tôm.