Theo chân ông Nguyễn Ngọc Chồi, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Quảng Trạch, chúng tôi đến thăm trang trại của CCB Tưởng Văn Phán ở xã Quảng Phú, một trong những hội viên dám nghĩ dám làm, không ngần ngại đầu tư tiền tỷ lập mở trang trại, phát triển sản xuất quy mô lớn.
Mặc dù đã được giới thiệu trước, nhưng phải đến khi tận mắt chứng kiến cơ ngơi của ông, chúng tôi mới thực sự vỡ lẽ vì sao người CCB già ấy lại “nổi tiếng” đến vậy.
Trở về sau nhiều năm phục vụ quân đội, ông Phán luôn nung nấu ý chí vươn lên ngay trên chính mảnh đất quê hương. Cơ duyên đến khi cách đây 20 năm, gia đình ông là hộ đầu tiên của xã nhận 9 ha đất hoang hóa tại vùng Khe Lau để cải tạo làm trang trại VAC. Với sự quyết tâm, nghị lực cùng đức tính cần cù, chịu khó, từ những ngày đầu khai hoang lập nghiệp, gia đình ông đã có 4 hồ nuôi cá với diện tích mặt nước trên 1,6 ha và 5 ha rừng trồng.
Không dừng lại ở đó, ông còn tích cực tìm hiểu phát triển thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để thuận tiện cho việc phát triển sản xuất của trang trại, gia đình ông đã tự đầu tư 2km đường giao thông và 1,8km đường điện vào trang trại với kinh phí gần 100 triệu đồng. Đến nay, với 70 con dê, 30 con trâu bò, 2.000 con gà, vịt cùng hệ thống ao, rừng bạt ngàn, mỗi năm gia đình ông thu lãi 300-500 triệu đồng, trở thành điển hình vượt khó làm giàu của huyện, của tỉnh.
Chia tay CCB Tưởng Văn Phán, chúng tôi đến thăm cơ sở của CCB Trần Công Hậu (Cảnh Dương), điển hình trong việc đi đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Gia đình ông là hộ đầu tiên nuôi cá sấu thử nghiệm thành công tại xã. Ngoài nuôi cá sấu, ông còn nuôi cá trê phi và cá lóc khá hiệu quả, cho thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu, trừ mọi chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.
Thành công của ông Hậu hôm nay là minh chứng cho nghị lực phi thường của người lính trên trận tuyến chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, bởi năm 2000, gia đình ông đã phải bán cả tài sản để bù thua lỗ do làm ăn thất bại. Không cam chịu thua cuộc, ông mạnh dạn vay vốn, đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Cũng nhờ đó kinh tế gia đình ông dần được cải thiện. Năm 2008, ông giao 3 thuyền đánh bắt xa bờ cho các con, sau đó vợ chồng ông nhận đất ở khu công nghiệp làng nghề Cảnh Dương để mở mô hình nuôi thủy hải sản. Và từ đó đến nay, cơ sở của ông ngày một phát triển, làm ăn khấm khá.
Các CCB Tưởng Văn Phán, Trần Công Hậu chỉ là hai trong số hàng trăm tấm gương CCB tiêu biểu vượt khó làm giàu trên địa bàn huyện Quảng Trạch. Tuy mỗi người một lĩnh vực khác nhau, nhưng tất cả đều cùng chung mục đích là thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, đưa cuộc sống gia đình ngày một nâng lên và hỗ trợ tạo việc làm cho con em CCB có thu nhập ổn định, góp phần giúp địa phương đẩy nhanh lộ trình xóa đói giảm nghèo.
Có thể thấy, phong trào phát triển kinh tế đã được các cấp Hội từ huyện đến cơ sở và toàn thể hội viên của huyện hưởng ứng tích cực và đạt được những kết quả khả quan. Các tổ chức Hội luôn phát huy được vai trò nòng cốt trong việc định hướng, hướng dẫn cho hội viên tham gia phát triển kinh tế; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất cũng như tinh thần để giúp đỡ hội viên CCB đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Xác định nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế là những tiêu chí cơ bản của các phong trào thi đua của CCB và trở thành động lực để hội viên gắn bó, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, các cấp Hội CCB ở Quảng Trạch đã có nhiều hoạt động hiệu quả, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để hội viên có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh. Nắm bắt nhu cầu của hội viên, Hội đã động viên, khuyến khích hội viên tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, hăng hái tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình kết hợp với kinh doanh dịch vụ...
Thông qua các nguồn vốn vay Trung ương Hội CCB Việt Nam, vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và quỹ Hội đã giúp hội viên vay vốn, đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, các mô hình trang trại, gia trang, tổ hợp tác xã do CCB làm chủ tiếp tục tăng cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Hiện nay, CCB Quảng Trạch đã phát triển được 16 gia trại, 21 trang trại, 8 tổ hợp tác xã và 1 hợp tác xã, tạo việc làm cho gần 600 lao động, trong đó nhiều lao động là CCB, CQN.
Với ý chí chiến đấu ngoan cường của thế hệ anh hùng trong thời chiến, ngày nay trong quá trình xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc, các thế hệ CCB Quảng Trạch lại luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau làm kinh tế, người có giúp người khó. Nhờ đó, trong những năm gần đây, phong trào xóa đói giảm nghèo của các cấp Hội được tổ chức vững mạnh, giúp hội viên từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.
Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp đã khơi dậy được tình đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong cuộc sống với tinh thần “Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”.
Đến nay, Hội đã xây được 80 ngôi nhà nghĩa tình đồng đội cho hội viên. Không những thế, các cấp Hội CCB Quảng Trạch còn tích cực hưởng ứng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đã hiến trên 7.000m2 đất, 500m tường rào, trên 2.000 ngày công với số tiền gần 2 tỷ đồng để làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xây dựng mô hình, câu lạc bộ bảo vệ an ninh trật tự như “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Khu dân cư tự quản”, “Xứ đạo bình yên”...
Vươn lên bằng chính đôi tay, nghị lực của người lính Cụ Hồ, những đóng góp thầm lặng trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của các cấp Hội CCB Quảng Trạch đã từng bước đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển toàn diện. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo trong lực lượng CCB huyện giảm từ 16% xuống chỉ còn 7% theo tiêu chí mới. Tất cả là nhờ sự đoàn kết một lòng, cùng nhau quyết tâm đẩy lùi nghèo khó, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc của các thế hệ CCB Quảng Trạch hôm nay.