Từ cuối năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt chính sách biên mậu, nhất là việc thực hiện các hàng rào phi thuế quan. Cụ thể, để hàng hóa có thể thông quan phải đáp ứng các điều kiện sau: Sản phẩm phải được chế biến, đóng gói tại cơ sở do Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cấp giấy đủ điều kiện ATTP và được phía Trung Quốc chấp thuận, cấp mã số; cơ sở nuôi trồng thủy sản phải được quản lý và cấp mã số cơ sở và mã số ao nuôi. Riêng đối với thuỷ sản dạng sống, ngoài quy định trên, phải được giám sát an toàn dịch bệnh 3 lần/vụ nuôi; sản phẩm phải thuộc danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu; từng lô hàng xuất khẩu phải được cơ quan quản lý vùng của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Việt Nam lấy mẫu kiểm tra, cấp chứng thư xác nhận sản phẩm an toàn; bao bì, nhãn mác phải đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.
Để đáp ứng được những yêu cầu này thì số lượng doanh nghiệp, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh gần như “đếm trên đầu ngón tay” khi chỉ có 5/680 cơ sở chế biến trên toàn quốc được cấp mã số và chỉ 2 cơ sở đã được cấp mã số vùng nuôi.
Việc Trung Quốc siết chặt chính sách biên mậu, đặc biệt là đối với mặt hàng thủy sản khiến cho việc xuất khẩu thủy sản trên địa bàn Quảng Ninh đang trên đà giảm mạnh. Nếu không đáp ứng được quy định nghiêm ngặt đối với việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ thì trong thời gian tới, việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của tỉnh vào thị trường này sẽ rơi vào cảnh bế tắc.
Do không đáp ứng đủ các quy định, yêu cầu của Trung Quốc, nên tại TP Móng Cái hiện vẫn còn khoảng 250 tấn hàng thủy sản bị tồn đọng, không thể thông quan.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện Trung Quốc là thị trường lớn nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam nói chung và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Quảng Ninh nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu, lối mở của tỉnh đạt gần 260 triệu USD (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, tăng chủ yếu là hàng nông sản, còn hàng hóa thủy sản lại sụt giảm mạnh, chỉ đạt 79,6 triệu USD (giảm hơn 32% so với cùng kỳ).
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái, khẳng định: Việc doanh nghiệp và người nuôi trồng bị động đối với các chính sách của Trung Quốc là do chúng ta nhiều năm nay đã không chịu thay đổi. Người nuôi thì quen với việc phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, quen tiêu thụ qua đường tiểu ngạch; cán bộ cơ sở ở địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, quản lý...
Cùng quan điểm này, ông Lương Quang Sở, Trưởng BQL Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cho biết: Mặc dù các cơ quan chức năng đã hướng dẫn những thay đổi trong chính sách kiểm soát XNK sản phẩm thủy sản, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không biết hoặc không đầu tư nhà xưởng, xin cấp mã và các yêu cầu khác của phía Trung Quốc, nên vẫn đưa hàng ra Móng Cái và bị phía Trung Quốc kiên quyết trả về, gây ra hiện tượng ùn ứ, tồn đọng.
Theo công bố từ phía Trung Quốc, hiện nay danh mục sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo chính ngạch là 128 sản phẩm, qua cặp chợ biên giới là 137 sản phẩm. Thế nhưng, số lượng trên đang thiếu rất nhiều sản phẩm đã có tiền lệ thông quan qua cặp chợ biên giới như: Sứa, ngao trắng, ngao 2 cùi, rươi... Mặt khác, hình thức bảo quản sản phẩm không thống nhất và phù hợp. Điển hình như với mặt hàng tôm, hiện chỉ có cấp đông, không có ướp đá, đã khiến cho nhiều người nuôi tôm điêu đứng. Bởi lẽ, sau khi bảo quản tôm thẻ chân trắng bằng đông lạnh, doanh nghiệp Trung Quốc phải rã đông để chế biến, dẫn đến chất lượng tôm và giá bán ra thị trường giảm nhiều (mất khoảng 20-35% giá) nên giá nhập tôm nguyên liệu cũng giảm, kéo theo giá mua tôm của người dân giảm mạnh (theo nhận định giá mua sẽ dưới giá vốn), gây thua lỗ cho người nuôi. Giá bán quá thấp so với mọi năm, nên riêng tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh còn khoảng 8.000 tấn chưa thu hoạch.
Ông Đinh Khắc Long (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên), cho biết: Gia đình tôi vừa thu hoạch 30 tấn tôm thẻ chân trắng cũng phải rất chật vật mới tiêu thụ được, vì không có thương lái đến thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc như mọi lần. Chúng tôi phải bán lẻ và chịu giá thấp để tiêu thụ trong nội địa vì các yêu cầu để xuất khẩu đều không thể đáp ứng được.
Không chỉ riêng ông Long mà qua kiểm tra, đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện hơn 2.000 cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều rơi vào tình trạng này. Nguyên nhân chính vẫn là do người nuôi trồng chưa có ý thức trong việc áp dụng quy trình nuôi đảm bảo ATTP theo khuyến cáo; chưa chủ động đề xuất cấp mã cơ sở nuôi; chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về ATTP; các sản phẩm thủy sản chưa triển khai công tác giám sát chất lượng; việc liên kết giữa nuôi trồng, thu mua và sơ chế, chế biến gần như không có...
Từ thực trạng trên, có thể thấy rằng, cánh cửa bước vào thị trường Trung Quốc với ngành thủy sản của Quảng Ninh đang rất hẹp. Để tháo gỡ khó khăn này, người sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải thay đổi tư duy từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn mới của thị trường lớn này.