Một trong những khó khăn lớn nhất đang hiện hữu là cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá, nhất là cảng cá. Hiện nay toàn tỉnh chỉ có 2 cảng đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thuỷ sản là cảng cá Sông Đốc của huyện Trần Văn Thời và cảng cá Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Không chỉ thiếu về số lượng mà hạ tầng các cảng hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ trong việc phục vụ bốc dỡ hàng hoá.
Một thực tế đang diễn ra dễ thấy nhất ở 2 cảng lớn của tỉnh là Sông Đốc và Rạch Gốc. Dù được công nhận đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thuỷ sản và là 2 cảng lớn nhất tỉnh, thế nhưng, ngay cả tuyến lộ xe đấu nối từ cảng với Quốc lộ 1 chỉ giới hạn tải trọng không quá 10 tấn. Điều này gây khó khăn không nhỏ trong quá trình xếp dỡ và vận chuyển hàng hoá.
Không chỉ giao thông đấu nối, kể cả cơ sở vật chất tại cảng chỉ định xác nhận nguồn gốc thuỷ sản chưa được đảm bảo, cầu cảng ngắn, chỉ có thể cập đồng loạt cùng lúc từ 5-7 tàu. Chính hạn chế này kéo theo thời gian bốc dỡ hải sản dài, thời gian kiểm tra, giải quyết hồ sơ thủ tục cho tàu rời cảng chậm. Trong khi đó, tàu cá khai thác thường cập cảng tập trung trong thời gian ngắn chỉ vài ngày khi hết con nước khai thác.
Thực tế này tạo ra rất nhiều khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác. Tính đến ngày 20/9, Ban quản lý các cảng cá chỉ mới cấp 5 giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác cho doanh nghiệp với khối lượng xác nhận khoảng 318 tấn; Chi cục Thuỷ sản cấp 17 giấy chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác với khối lượng nguyên liệu xác nhận là 299 tấn.
Hạ tầng các cảng cá còn hạn chế nên số lượng tàu cá cập cảng cũng hạn chế theo. Theo thống kê, thời gian qua chỉ có khoảng 2.676 tàu cá cập cảng, rời cảng được kiểm tra trong tổng số khoảng 4.472 tàu toàn tỉnh. Số còn lại do cập các cảng tỉnh bạn, không vào bờ hay các bến bốc dỡ khác. Hiện tại khu vực cửa Sông Đốc có khoảng 15 bến bốc dỡ hàng hoá khai thác phân bổ dọc theo hai bờ Nam - Bắc sông Ông Đốc. Tại khu vực cửa biển Rạch Gốc cũng tương tự, với khoảng 11 bến bốc dỡ cá dọc theo hai bờ sông Rạch Gốc với tổng sản lượng bốc dỡ trung bình mỗi tháng khoảng 630 tấn.
Từ thực tế này, khiến việc xác nhận nguồn gốc thuỷ sản trong khai thác gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ có vậy, theo Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Nguyễn Việt Triều, phần lớn số tàu cá cập cảng khi đối chiếu lịch sử hoạt động trên biển thông qua giám sát hành trình với nhật ký không trùng khớp nhau nên cũng không thể xác nhận nguyên liệu thuỷ sản cho các doanh nghiệp. Từ đó, một số doanh nghiệp không thể xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ khai thác.
Ngoài ra, còn một trở ngại khác khiến việc xác nhận nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác khó khăn đó chỉ là thói quen trong sản xuất, mua bán của người dân từ xưa đến nay. Mấy mươi năm qua, ngư dân đều quen với việc được đâu bán đó. Do đó, vẫn còn nhiều suy nghĩ cập cảng sẽ bị kiểm tra, xử lý, thủ tục rườm rà, tốn kém thời gian, phát sinh thủ tục… nên cố tình né tránh được chuyến nào hay chuyến đó.
Đó là những tồn tại khiến công tác xác nhận nguồn gốc thuỷ sản thời gian qua gặp khó. Những hạn chế này cần sớm được tháo gỡ để không chỉ có thể tháo được “thẻ vàng” cảnh báo của Uỷ ban Châu Âu mà còn là để nghề khai thác phát triển bền vững hơn. Ông Triều cho biết thêm, giải pháp thời gian tới là tiếp tục tuyên truyền một cách thường xuyên liên tục bằng nhiều hình thức thích hợp hơn, nhất là tập trung trong việc hướng dẫn ngư dân ghi chép, nộp nhật ký khai thác. Đặc biệt, đối với việc bốc dỡ hàng hoá sẽ tiến hành hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bốc dỡ hàng hoá tại cơ sở, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kiểm soát theo quy định, nhất là xác nhận nguồn gốc thuỷ sản. Đồng thời, sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm.