Nghề nuôi cá cảnh thương mại của Tp. Hồ Chí Minh đã xuất bán ra 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, thị trường châu Âu chiếm hơn 54% trị giá xuất khẩu, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.
Số lượng cá cảnh xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đạt 180 triệu con, kim ngạch xuất khẩu trên 22 triệu USD trong năm vừa qua.
Điều này cho thấy, ngành cá cảnh có thế mạnh và giá trị rất lớn. Các chuyên gia ngành cá cảnh nhận định, để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu cá cảnh thì cần xây dựng một chuỗi liên kết chặt chẽ để phát huy thế mạnh này.
*"Áo" chưa hoàn chỉnh
Kể từ cuối tháng 10/2018, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành danh sách nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Theo đó, cá cảnh là nhóm sản phẩm thủy sản được xem là tiềm năng của thành phố, dựa trên các tiêu chí quy định về khả năng mở rộng sản xuất giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, xuất khẩu cá cảnh của Việt Nam đứng thứ 17/125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia xuất khẩu cá cảnh, chiếm tỷ trọng 1,2% của thế giới. Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường cá cảnh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh, thành phố có 89 ha sản xuất cá cảnh, với hơn 290 cơ sở, hộ nuôi, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh (50ha/110 cơ sở và hộ nuôi), huyện Củ Chi (25ha/41 cơ sở, hộ nuôi).
Theo đó, Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng (Saigon Aquarium) và Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn có diện tích sản xuất 12ha, Công ty Thiên Đức 1ha; số còn lại ở huyện Hóc Môn, các quận 8, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp. Chủng loại cá cảnh được nuôi nhiều nhất là cá dĩa, chép Nhật, Koi, bảy màu, hòa lan, hồng kim...
Tuy nhiên, ngành hàng cá cảnh còn chưa có sự liên kết theo chuỗi. Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Tp. Hồ Chí Minh, hiện chỉ có sự liên kết tự nhiên giữa người nuôi và doanh nghiệp có nhu cầu thu mua xuất khẩu mà chưa có sự liên kết đồng loạt theo hệ thống.
Ngoài ra, ngành hàng cá cảnh chưa có thương hiệu riêng biệt của Việt Nam, vẫn còn hiện tượng gia công cho một số quốc gia nhập khẩu cá cảnh.
Theo ông Tân Xuyên, chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên, Tp. Hồ Chí Minh, cùng một con cá cảnh, tại Singapore có giá bán từ 1- 2 USD, trong khi tại Việt Nam hay Indonesia, chỉ có giá từ 20 - 40 cent/con.
Cùng với đó, ngành hàng cá cảnh còn yếu về con giống và khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nhân giống, lai tạo giống.
Thực tế, khâu giống chưa được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, dù đây là vấn đề quan trọng. Trong khi nhu cầu nhập khẩu giống luôn được đặt ra, do thị trường luôn đòi hỏi cái mới, lạ.
Sắp tới Trung tâm Khuyến nông Tp. Hồ Chí Minh sẽ cùng các địa phương xây dựng một số mô hình trình diễn từ việc nhập khẩu con giống theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu cho con cá cảnh của Tp. Hồ Chí Minh cũng như cá cảnh của Việt Nam.
*Tăng cường quảng bá điện tử
Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, để ngành hàng cá cảnh của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phát triển mạnh, đúng tiềm năng, lợi thế của ngành sinh vật cảnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, toàn ngành cần quy hoạch vùng nuôi tập trung, đảm bảo diện tích lớn phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới hiện nay.
Từ đó, người nuôi cá cảnh có thể kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu của thị trường thế giới.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có những chính sách về giấy phép nhập khẩu, thuế suất, danh mục cá cảnh được nhập khẩu phù hợp.
Đồng thời, cơ quan quản lý phổ biến rộng rãi các chính sách này, hỗ trợ cho cả người nuôi và doanh nghiệp áp dụng, phát triển nghề nuôi cá cảnh, đặc biệt là các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao mà đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Nếu không có liên kết nâng chuỗi giá trị cá cảnh, thì khó phát huy tất cả các tiềm lực và thế mạnh của Tp. Hồ Chí Minh.
Là một trong những người cung cấp cá cảnh lâu năm tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Tân Xuyên, chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên chia sẻ, hiện nay, các chủ cửa hàng cá cảnh phải xoay xở số lượng, chủng loại với người nuôi.
Nhưng mối liên hệ này thường có sự thay đổi do số lượng không đủ, chủng loại thiếu đa dạng.
Vì vậy, để ngành cá cảnh phát triển thành chuỗi liên kết tốt, ngành cần có chợ cá cảnh quy mô lớn, đủ tầm để có thể cung ứng cho các thương nhân ngành cá cảnh toàn quốc.
Bên cạnh quy hoạch, tổ chức sản xuất, con giống cá cảnh có vai trò rất quan trọng. Việt Nam có những loài cá cảnh chưa thể sinh sản.
Vì vậy, cần phải nhập con giống chất lượng và quy trình nuôi, tạo cá cảnh sản phẩm chất lượng cung cấp cho người nuôi.
Ngoài ra, các trang trại cá cảnh cũng cần có sự liên kết ngang, tạo câu lạc bộ, hội cá cảnh để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm đầu ra ổn định, tạo một sân chơi tốt hơn cho thị trường cá cảnh trong nước và quốc tế.
Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá cảnh cần có chiến lược quảng bá thương hiệu, thường xuyên tổ chức hội chợ triển lãm cá cảnh, giới thiệu đến khách tham quan các giống cá cảnh mới, tạo không gian mở cho những người quan tâm, yêu thích cá cảnh có nhiều cơ hội tiếp cận với thú chơi cá cảnh. Đặc biệt, ngành nông nghiệp thành phố tạo một website riêng cho cá cảnh. Bởi đây là cầu nối giữa người sản xuất và tiêu thụ.
"Trang website này thống kê tất cả các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, thu thập tất cả thông tin liên quan, các nghiên cứu, đào tạo cá cảnh…", PGS.TS Vũ Cẩm Lương, giảng viên Khoa thủy sản Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ.