Trúng tôm vẫn lo
Vùng nuôi tôm công nghiệp của Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), là vùng đất nằm cuối dòng sông Hậu và tiếp giáp biển Đông ứng chịu đợt khô hạn, xâm nhập mặn mạnh nhất hồi đầu năm. Nhưng thật bất ngờ khi thiên tai vừa dứt, nhiều vùng nuôi tôm mau chóng thả giống vào vụ, kết quả trúng mùa bất ngờ, tôm nuôi khỏe mạnh. Tôm thẻ chân trắng nuôi thâm canh đạt tới cỡ 25-30 con/kg, bán giá trên 170 ngàn đồng/kg là điều hiếm thấy từ 2-3 năm qua.
Trong khi đó, Sở NN-PTNT Bạc Liêu vừa đánh giá hiệu quả những mô hình nuôi tôm đạt lợi nhuận cao, có lợi thế so sánh nhằm đẩy mạnh sản xuất trong 4 tháng cuối năm 2016. Điểm nổi bật trong năm 2015 kết quả mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh lợi nhuận đạt 210 triệu đồng/ha (giá thành sản xuất bình quân 90.000 đồng/kg); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh đạt "siêu" lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha (giá thành sản xuất bình quân 90.000 đồng/kg); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt lợi nhuận bình quân 175 triệu đồng/ha (giá thành sản xuất bình quân 70.000 đồng/kg; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp đạt lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng/ha (giá thành sản xuất bình quân 30.000 đồng/kg). Tính bình quân giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt trên 129 triệu đồng/ha, tăng 38% so với năm 2010. Tiếp tục phát huy lợi thế đó, trong 8 tháng đầu năm 2016, Bạc Liêu tiếp tục giữ ổn định 130.000 ha nuôi trồng thủy sản, tương đương so cùng kỳ 2016. Sản lượng trên 110.000 tấn, đạt 105% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó tôm đạt 49.000 tấn và 61.000 tấn cá và thủy sản khác. Trong đó nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh gần 10.000 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên 5.800 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến chuyên tôm 500 ha, nuôi quảng canh cải tiến kết hợp nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa gần 110.000 ha và 2.700 ha nuôi cua, cá.
Ghi nhận chung từ đầu năm đến nay tình hình sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng El Nino hạn hán, xâm nhập mặn, độ mặn tăng cao làm tôm chậm lớn dễ bị dịch bệnh gây thiệt hại nhiều vùng nuôi ở các tỉnh ĐBSCL. Trước tình hình bất lợi đó tại các hội nghị chuyên đề, các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học nghiên cứu thủy sản đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các sản phẩm có lợi thế như tôm nuôi vùng nước lợ.
Theo Tổng Cục Thủy sản, do ảnh hưởng hạn, mặn vừa qua ở ĐBSCL vùng nuôi tôm bị thiệt hại vượt hơn 82.000 ha. Tiến độ xuống giống nhiều vùng phải chậm lại so thời vụ cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm nay diện tích nuôi tôm đạt 605.000 ha, bằng 99% so cùng kỳ và sản lượng nuôi tôm chỉ đạt 192.000 tấn, giảm hơn 95% so cùng kỳ. Tuy nhiên sau khi dứt đợt hạn - mặn, người dân tiếp tục thả tôm giống nuôi và áp dụng nhiều biện pháp ứng dụng nuôi tôm sinh học do các Viện, trường nghiên cứu hỗ trợ, vùng nuôi mau chóng phục hồi, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại giảm, năng suất và sản lượng đều tăng lên. Đến ngày 9-9-2016 diện tích nuôi tôm cả nước đạt 665.000 ha, sản lượng đạt 335.000 tấn. Trong tình hình thuận lợi từ nay đến cuối năm dự kiến sản lượng sẽ đạt trên 680.000 tấn.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tồn tại về chất lượng con giống, hệ thống thủy lợi phục vụ vùng nuôi còn bất cập. Trên thị trường tiêu thụ tôm nguyên liệu, tôm sản xuất trong nước giá thành cao so với các nước sản xuất tôm như: Ấn Độ, Thái Lan nên giảm sức cạnh tranh. Trong khi đó, tôm xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn với các loại rào cản kỹ thuật, thuế quan, phi thuế quan còn quá nhiều.
Nâng cao chất lượng
Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), với thị trường chủ lực là Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam còn bị đánh thuế chống phá giá; xuất khẩu một số thị trường khác như EU còn khó khăn do biến động tỉ giá ngoại tệ. Trong thời gian qua tình trạng bơm tạp chất, tôm nuôi có nhiễm kháng sinh gây khó khăn cho tôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. VASEP đề nghị cần kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt như xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính để giữ uy tín chất lượng tôm Việt Nam.
Muốn xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam con đường tất yếu phải nâng cao chất lượng. Vừa qua các doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu thủy sản lên tiếng phản ánh: Ngành tôm Việt Nam đang đối mặt những khó khăn thách thức cần tháo gỡ, đề nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tại các vùng sản xuất con giống tập trung, để đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất; đồng thời kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thông tin rộng rãi cho người nuôi được biết.
Để phối hợp tốt và ngăn chặn dứt điểm vấn nạn bơm chích tạp chất các cơ quan Thanh Tra, Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản, Cục An ninh Nông lâm thủy sản (A86) đề nghị có cơ chế phối hợp và tiến hành kiểm tra đột xuất, đồng bộ với tất cả các tỉnh; khi phát hiện phải có biện pháp xử lý hành vi vi phạm. Nếu thực hiện triệt để dẹp bỏ tình trạng này chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo, nâng cao uy tín thương hiệu tôm Việt.
Hiện nay trong số các mặt hàng thủy sản, tôm là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Trong đó, nhiều vùng sinh thái đa dạng như bán đảo Cà Mau cho phép con tôm sú phát triển. Tuy nhiên, hiện nay vùng nuôi tôm sản xuất còn manh mún, phân tán nên khó quản trị, kiểm soát; năng suất thấp, đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu. Muốn nâng cao chất lượng, xây dựng hình ảnh chất lượng tôm Việt trở thành sản phẩm chủ lực, hình thành ngành công nghiệp phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ rà soát, bổ sung qui hoạch, tìm ra lợi thế phát triển cho tôm ở từng địa phương, từng vùng và cả nước. Bộ NN-PTNT sẽ tập trung đề xuất các chương trình nghiên cứu khoa học giải quyết những mặt còn yếu kém, xây dựng trung tâm sản xuất tôm giống, hình thành những trung tâm dịch vụ lớn. Trước mắt, đảm bảo năm 2016 đạt sản lượng 680.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 3,2 tỉ USD.