Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông - lâm - thủy sản trong quý I/2014 ước đạt 4,9 tỉ USD, chiếm 14,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013. Mặt hàng thủy sản và rau quả tiếp tục tăng trưởng khá, góp phần chủ yếu cho sự tăng trưởng xuất khẩu của cả nhóm.
Không chỉ có các vụ kiện
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính lần thứ 9 đối với các sản phẩm cá tra của Việt Nam nhập vào thị trường này, theo hướng giảm thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN) so với đợt sơ bộ. Tương tự, mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng bị kiện bán phá giá với kết quả sơ bộ ở mức khá cao. Các DN không chỉ đối mặt với tình hình xuất khẩu khó khăn do nhu cầu thị trường giảm sút mà liên tục phải đấu tranh đòi công bằng từ các vụ kiện…
Nhiều năm qua, thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng DN luôn phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá ba sa, tôm… Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết Việt Nam đang là quốc gia thứ 3 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản. Nhu cầu của thế giới với mặt hàng này ngày càng tăng đó là lợi thế DN cần tận dụng khai thác cơ hội. Việt Nam cũng là quốc gia thứ 4 thế giới về xuất khẩu thủy sản, chỉ đứng sau Trung Quốc, Na Uy và Thái Lan. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 6,8 tỉ USD. Quý I/2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,5 tỉ USD và trong năm nay, ngành thủy sản có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu khoảng 7 tỉ USD. Do đó, DN cần nỗ lực xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam chứ không chỉ đối phó với những vụ kiện chống bán phá giá. Vấn đề hiện nay của ngành thủy sản là phải duy trì chất lượng sản phẩm ổn định và quan tâm về yếu tố giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu - ông Hòe cho biết thêm.
Nên bỏ tập quán “mua chịu”
Cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản với kim ngạch năm 2013 đạt 1,76 tỉ USD. Hai tháng đầu năm nay, cá tra xuất khẩu đạt khoảng 275 triệu USD, riêng thị trường Mỹ chiếm 61,78 triệu USD. Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, xuất khẩu cá tra không thuận lợi từ cuối năm 2011 kéo dài đến nay. Riêng thị trường châu Âu, xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh do tình hình kinh tế chưa hồi phục.
Các chuyên gia ngành thủy sản phân tích: Sự mất cân đối về mặt cung cầu là nguyên nhân lớn trong hoạt động xuất khẩu cá tra. Nguồn nguyên liệu cá tra được nông dân, DN nuôi mang tính tự phát nhiều đã tạo ra tình trạng bấp bênh, mất cân đối cung cầu… Ngành cá tra cần phải cân đối cung cầu thông qua quy hoạch, tiêu chuẩn của nhà nước. Phải bảo đảm người nuôi cá tra có đủ thông tin: nuôi xong bán cho ai, giá bao nhiêu, phải quy hoạch sản lượng, vùng nuôi. Cần “bàn tay” của nhà nước để ổn định thị trường. Nhiều thói quen không sòng phẳng cũng đang làm cho ngành tự yếu đi, như: tập quán thanh toán theo kiểu mua chịu, bán thiếu, không biết khi nào trả, làm cho người mua có cảm giác “lơ là”, tạo ra tâm lý bất ổn trong chế biến, trong chất lượng, giá cả… Cũng vì mua chịu nên DN không nôn nóng trả nợ, thậm chí còn chây ì đàm phán ngược lại với người bán để trả giá rẻ hơn. Vì vậy, vấn đề hiện nay là phải định hình lại thị trường nguyên liệu, minh bạch trong thanh toán. Chính quyền địa phương, hiệp hội người nuôi cá cũng phải bảo vệ người dân nuôi cá tra…