Trong mưa gió bão bùng bởi cơn bão số 9, nán ngồi bên những ao hồ xác xơ giữa đồng tôm rộng lớn sau trận lũ chồng lũ kinh hoàng, ông Huỳnh Đình Hải thẫn thờ vì trong thoáng chốc tiền tỉ đầu tư vào những hồ tôm, cá, cua đã trôi biệt theo nước lũ...
Đồng tôm nơi ông Hải gắn bó với nghề nuôi tôm, cá, cua thuộc làng Hà Úc, xã Vinh An, H.Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Đây là nơi nuôi tập trung các loài thủy sản của H.Phú Vang. Các hồ nuôi liền kề nhau, men theo ven đầm Thủy Tú. Là một trong 3 đầm phá hợp thành hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đầm Thủy Tú là nơi chứa nước của gần như tất cả các con sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên - Huế, thuận tiện cho nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Mùa nắng, đầm Thủy Tú trong xanh. Giờ, trong mưa bão luôn đục ngầu màu nước lũ.
Tiền tỉ trôi theo lũ dữ
Từ tối 27.10, loa phóng thanh phát đi khuyến cáo của chính quyền về việc người dân không ra đường để phòng tránh bão số 9. Vậy mà sáng sớm 28.10, khi trời còn mưa gió, ông Hải khoác vội áo mưa, phóng xe máy xuống đồng tôm ven đầm Thủy Tú, bởi ở đó, cơ ngơi tiền tỉ của ông trong thoáng chốc đã trôi theo nước lũ. Quẩn quanh những hồ tôm, cá, cua chỉ còn lại màu nước bạc, xói lở nhiều nơi trông xơ xác, người nông dân 20 năm trong nghề nuôi thủy sản cứ thẫn thờ.
Theo lời kể của ông Hải, hồi trận lụt lịch sử năm 1999 tàn phá cả tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông chưa vào nghề, mà từ năm 2000 mới bắt đầu. Trước đây, ông nuôi 5 hồ, rộng chừng 15.000 m2. Dần dần, ông mở rộng quy mô và hiện nay nuôi 12 hồ, diện tích rộng khoảng 40.000 m2. Ban đầu chỉ nuôi tôm, sau đó ông xen canh nuôi thêm cá dìa, cá mú và cua. Mùa này, tôm nuôi 3 - 4 tháng, cá dìa nuôi 6 tháng, cua nuôi 4 tháng... là thu hoạch, với mức giá tầm 300.000 đồng/kg tôm, 150.000 đồng/kg cá dìa, 250.000 đồng/kg cua. Đợt mưa lũ vừa rồi, lượng mưa lớn kèm thủy điện xả lũ dẫn đến nước đầm Thủy Tú cấp tập dâng cao, khiến những người nuôi tôm, cá như ông Hải không kịp trở tay.
Nước dâng ngập cả đường dây điện bao quanh các hồ, nhấn các hồ tôm, cá chìm sâu. Tôm, cá phần thì chết vì ngâm trong môi trường nước lũ đột ngột kéo dài đến cả tuần, phần trôi hết ra đầm. Những người nuôi cố gắng vớt vát bằng cách thu hoạch vội nhưng cũng không được bao nhiêu. Thiệt hại càng thêm nặng khi trong mưa lũ, có những ngày chợ quê không nhóm họp. Cá chết vớt lên để trắng bờ đê, rồi nước lũ dâng cao lại cuốn trôi hết ra đầm.
“Tiền thức ăn cho 12 hồ tôm, cá, cua bữa giờ khoảng 1,5 tỉ. Tiền giống khoảng 500 triệu. Đó là tôi ước sơ rứa, chứ tính căn cơ ra thì tiền thức ăn đã 2 tỉ rồi. Lâu nay bao thứ cần chi tiêu, con cái học hành đều trông dựa vào đó, giờ coi như trắng tay rồi. Nếu muốn gầy dựng lại, tiền giống và tiền thức ăn cũng phải tốn kém tiền tỉ nữa. Gian nan lắm”, ông Hải lo lắng. Được biết, ông Hải là hộ bị thiệt hại nặng nhất trong 68 hộ nuôi ở đồng tôm.
Đồng tôm làng Hà Úc xác xơ, nhiều vật dụng nuôi tôm để không vì tôm cá không còn.
Trông chờ được cứu giúp
Hôm qua, ông Lê Hóa, cán bộ khuyến nông xã Vinh An, khi PV Thanh Niên liên lạc, cho hay ông đang ở trụ sở xã để trực bão. Qua điện thoại, ông Hóa cho biết kinh tế nông nghiệp chủ lực của xã là nuôi trồng thủy sản. Cả xã có 68 hộ nuôi, tổng diện tích hơn 53 ha. Tất cả đều bị trôi theo nước lũ. Thống kê bước đầu, tổng thiệt hại lên đến 9,5 tỉ đồng.
“Số tiền thiệt hại như vậy với người nông dân là nặng lắm”, ông Hóa nói. Khi được hỏi xã có kế hoạch gì giúp nông dân bị trắng tay sau lũ, ông Hóa trần tình: “Nguồn lực của xã không có, chỉ biết trông chờ vào huyện, tỉnh thôi”.
Trả lời báo chí, ông Trần Thanh Long, Chủ tịch UBND H.Phú Vang, thông tin địa phương có diện tích nuôi thủy sản cao triều, hạ triều rất lớn. Trận lũ đặc biệt lớn bất ngờ đổ về cộng với triều cường dâng cao làm ngập toàn bộ diện tích trên địa bàn 1.465 ha. Số diện tích thủy sản của huyện bị ngập, thiệt hại trong trận lũ này chưa từng xảy ra kể từ sau trận lũ lịch sử 1999.
Cũng cho biết đang ở trụ sở huyện trực bão số 9, ông Lê Đức Lộc, Phó chủ tịch UBND H.Phú Vang, thông tin huyện mới chỉ thống kê được thiệt hại về diện tích nuôi trồng thủy sản. Riêng quy ra tiền thì chưa có con số cụ thể, vì chính quyền huyện vẫn đang tập trung ứng phó bão số 9. “Giờ cũng chỉ trông chờ vào các cá nhân, tổ chức thiện nguyện các nơi, biết được thiệt hại nặng nề của bà con, nếu có về giúp được chừng nào thì hay chừng đó”, ông Lộc chia sẻ thêm.
Đồng tôm làng Hà Úc trước luôn nhộn nhịp cả trăm người mỗi ngày tất bật lao động trên các hồ nuôi. Đêm xuống, cả khu vực rộng lớn sáng rực đèn điện như phố xá. Nay, đồng tôm thưa vắng hẳn bóng người. Nhiều chòi canh hoang lạnh, hoang tàn trong mưa gió. Câu chuyện sinh kế của bao gia đình nơi đây như đang đối mặt “bão lòng” với bao âu lo bộn bề. Chặng đường phía trước, với không ít gia đình, còn lắm gian truân…
Gần trọn buổi sáng trên đồng tôm xơ xác, ông Hải ướt đẫm vì mưa gió vẫn đang quần quật tứ bề. “Mà thôi, giờ về lại nhà. Cầu mong mưa thuận gió hòa để rồi có cơ hội làm lại’, ông Hải tự an ủi.