Làm không đủ ăn
Chị Dương Thị Lan, ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Gia đình có 4 miệng ăn trông vào 2 công ruộng, nhưng năm nay giá lúa giảm mạnh, chỉ bán được 3.500 đồng/kg tính ra lỗ chi phí đầu tư. Khó khăn càng thêm chồng chất khi chồng vướng bệnh ung thư xương. Nhà không tiền đành phải cầm cố hết ruộng, đồng thời vay nợ gần 100 triệu đồng để đưa chồng lên TPHCM chữa trị. Từ chỗ tạm đủ ăn, nay tài sản hết sạch cộng thêm nợ nần, đẩy gia đình vào cảnh nghèo”.
Bà Đỗ Thị Út, cũng ở xã Trường Long A, bộc bạch: “Nhiều năm qua gia đình thuộc diện nghèo ở địa phương bởi không đất đai, không nghề nghiệp, cuộc sống hàng ngày dựa vào làm mướn. Năm 2009, chính quyền địa phương xét cất căn nhà tình thương, nhưng rút lại sổ hộ nghèo. Gần 1 năm qua, con trai út của tôi là lao động chính trong nhà, rơi vào cảnh thất nghiệp do ở quê không ai thuê mướn; trong khi lên TPHCM chẳng tìm được chỗ làm. Nguy cơ tái nghèo khó tránh khỏi”.
Ông Phạm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Trường Long A, nhìn nhận, kinh tế chính của người dân nông thôn là nông nghiệp, song sản xuất nông nghiệp rơi vào cảnh khó khăn khiến chỉ tiêu giảm 2% - 3% hộ nghèo trong năm 2013 bị đe dọa nghiêm trọng.
Tại tỉnh Sóc Trăng, công tác giảm nghèo cũng rơi vào cảnh khó. Chị Thạch Thị E, ở khóm Vĩnh Bình, phường 2, thị xã Vĩnh Châu, cho biết, được địa phương động viên nỗ lực xóa nghèo và cả nhà cũng phấn đấu nhưng thực tế rất khó. Trước đây 6 nhân khẩu trong nhà cuộc sống tạm ổn nhờ vào cuốc đất và trồng hành mướn ở xứ biển Vĩnh Châu. Vài tháng qua, người làm mướn rơi vào cảnh cầm chừng “1 ngày làm, 4 - 5 ngày nghỉ” khiến thu nhập giảm mạnh. Hiện giờ chạy lo gạo ăn hàng ngày đã khó nói gì chuyện giảm nghèo.
Ông Tăng Quang, Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Vĩnh Châu, thừa nhận: “Toàn phường có tới 2.243 hộ nghèo, chiếm hơn 45% tổng số hộ. Kế hoạch năm nay xóa 350 hộ nghèo chủ yếu dựa vào nghề nuôi tôm, trồng hành tím, khai thác biển… Song thực tế diễn ra rất khó bởi dịch bệnh tiếp tục bùng phát làm tôm chết tràn lan; còn trồng rau màu không hiệu quả. Qua tổng kết 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy mục tiêu xóa nghèo khó đạt, trong khi nguy cơ tái nghèo đang là nỗi lo canh cánh đặt ra”.
Xóa nghèo cần bền vững
Theo sở LĐTB-XH các tỉnh thành ĐBSCL, đối tượng nghèo đa số rơi vào những hộ không đất đai, không nghề nghiệp, con đông, gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo… Thời gian qua, các ngành chức năng phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội nỗ lực hỗ trợ vốn giúp người dân làm ăn thoát nghèo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng sản xuất gặp khó khăn nên chỉ tiêu xóa nghèo không như mong muốn.
Là người tiếp xúc với dân thường xuyên, ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban Nhân dân ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, đề xuất: “Việc đầu tư vốn xóa nghèo theo kiểu dàn trải 5 - 10 triệu đồng/hộ như lâu nay khá ít nên người nghèo không thể sử dụng vào sản xuất được, cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo. Tới đây cần thay đổi cách làm, nên chọn số hộ ít lại và tăng suất đầu tư cao lên, kèm hướng dẫn cho dân mô hình làm ăn cụ thể. Khi họ xóa được nghèo thì mới chuyển nguồn vốn cho hộ khác”.
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Công Khánh, Chủ tịch UBND xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, Sóc Trăng, cho rằng: “Đầu tư vốn để xóa nghèo cần thực hiện cuốn chiếu, đi sâu vào chất lượng chứ không nên theo số lượng. Năm 2013, huyện giao cho xã Đại Ân 2 xóa 110 hộ nghèo và chúng tôi chọn đối tượng thực hiện là những cựu chiến binh. Các mô hình như nuôi heo, tôm, cá, trồng mía… được xã kết hợp cùng ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn cách làm cụ thể; sau đó đầu tư vốn kèm gắn với các doanh nghiệp, cơ sở… giải quyết đầu ra. Thuận lợi cơ bản là những cựu chiến binh rất chịu khó và có ý thức cao về xóa nghèo nên mục tiêu đặt ra là khả quan”.
Cũng kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Khổng Tấn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, dẫn chứng: “Là xã nghèo nhất của Cần Thơ nhưng chỉ sau 3 năm đầu tư kiểu cuốn chiếu, đúng đối tượng, đúng ngành nghề, Đông Thắng đã giảm từ hơn 20% hộ nghèo xuống còn 10,5%. Qua đó, xã tập trung vào các mô hình như nuôi ếch, cá, trồng lúa chất lượng cao… Hộ không đất thì đầu tư vốn làm ngành nghề, hoặc thành lập câu lạc bộ làm thuê, phun thuốc… Tạo việc làm và tạo thu nhập cho người dân là cách xóa nghèo bền vững nhất”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân, quan điểm của tỉnh là không xóa nghèo kiểu chạy theo thành tích, hay đặt chỉ tiêu mỗi năm giảm 2% hộ nghèo… Công tác xóa nghèo hiện nay cần đi vào thực chất, chú trọng đến chất lượng, bền vững, lâu dài. Hộ thoát nghèo phải thật sự sống ổn định từ công việc mới mà nhà nước đầu tư, hỗ trợ, nhằm tránh nguy cơ tái nghèo. Cần thấy rằng việc đầu tư cho người dân sản xuất thoát nghèo phải có thời gian, không thể áp đặt trong vài tháng hoặc 1 năm mà hiệu quả được. Vì vậy, tỉnh chỉ đạo các huyện, thị có thể năm này không đạt xóa nghèo 2%, nhưng cả nhiệm kỳ 5 năm hoàn thành mục tiêu xóa nghèo là đạt yêu cầu. Vấn đề quan trọng là phải bền vững.