Cát Bà có hai thứ nổi tiếng cả nước là cảnh quan thiên nhiên hoang sơ đẹp đến mê hồn và nguồn hải sản tươi ngon. Hải sản Cát Bà phải kể đến nhuyễn thể. Du khách đến đây không thể không đến các bè nổi để thưởng thức tu hài, hải sâm, sò các loại… nhưng điều này sẽ không còn lâu nữa.
Trong ba tháng dọn sạch nhuyễn thể trên vịnh
Trong vùng, nơi có môi trường nuôi nhuyễn thể cho ra chất lượng tốt hơn hẳn các vùng khác là vịnh Lan Hạ. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, có hơn 400 hộ nuôi trồng thủy sản với hàng ngàn ô lồng, giàn nuôi trên vịnh. Hầu hết trong đó đều có giàn nuôi nhuyễn thể. Thế nhưng giữa tháng 1-2018, UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) đã có văn bản yêu cầu chấm dứt hoạt động nuôi nhuyễn thể trên các vịnh, hoàn trả diện tích tự nhiên ban đầu trước ngày 30-4-2018.
Văn bản này gây hoang mang cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Người dân cho biết họ đã đầu tư nhiều tỉ đồng vào việc nuôi trồng này. “Chúng tôi vừa thả giống vào dịp cuối năm ngoái, đợi khoảng tháng 10, 11 âm lịch năm nay thu hoạch. Huyện yêu cầu chấm dứt nuôi, chúng tôi sẽ mất trắng cả tiền đầu tư giàn chưa thu hồi được và số vốn ngao hoa giống rất đắt đỏ. Như nhà tôi sẽ thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng nếu phá cả giàn và thu ngao chưa trưởng thành lên” - một chủ hộ nuôi ở vịnh Lan Hạ cho biết.
Chủ trương thực hiện nghiêm túc
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo huyện Cát Hải cho biết huyện đã cân nhắc đến các phương án thực hiện uyển chuyển để giúp các hộ dân thu hồi vốn. Tuy nhiên, chủ trương dừng hoạt động nuôi nhuyễn thể sẽ thực hiện nghiêm túc.
Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, thông tin: “Các hộ nuôi nhuyễn thể ở vịnh Lan Hạ có hai hình thức nuôi: Treo trên giàn hoặc thả vào lồng, đổ cát rồi hạ xuống đáy vịnh. Thế nhưng hình thức treo giàn sẽ phá vỡ cảnh quan của vịnh Lan Hạ trong khi vịnh này đang được UNESCO xét duyệt là di sản thiên nhiên thế giới kéo dài Hạ Long - Cát Bà”.
Thêm vào đó, việc nuôi nhuyễn thể của các hộ dân không được định hướng của ngành nông nghiệp nên phát triển ồ ạt, không kiểm soát được. “Vài năm đầu, người dân nuôi nhuyễn thể như tu hài, ngao hoa, hải sâm cho hiệu quả kinh tế rất cao, vậy là ồ ạt đầu tư giàn, lồng để nuôi. Sau đó đến năm 2013, dịch bệnh lại khiến nhuyễn thể chết hàng loạt” - ông Cường nói.
Ông phân tích thêm khi nhuyễn thể bị bệnh, vùng dịch bệnh phát ra gây ảnh hưởng cả nhiều rạn ngầm, thực vật ngầm khu vực đáy vịnh. Do đó, thiệt hại môi trường là không kiểm soát được. Việc nuôi trồng thủy sản không có định hướng, quy hoạch rõ ràng, giá thành nhuyễn thể chỉ còn khoảng 1/2 so với trước đây khiến các hộ dân những năm gần đây thiệt hại kinh tế nặng. Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều hộ nuôi mất trắng cả chục tỉ đồng, rơi vào cảnh vỡ nợ. “Đó là một phần nguyên nhân huyện Cát Hải ra văn bản yêu cầu dừng nuôi nhuyễn thể. Tuy nhiên, cách làm sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại cho dân” - ông Cường nói.
Sẽ theo lộ trình để dân có lợi
Về phản ứng của người dân, lãnh đạo huyện cho biết đã có lộ trình xét phù hợp để các hộ có thể thu hoạch nhuyễn thể trước khi dừng nuôi. “Ban đầu văn bản yêu cầu dừng nuôi vào cuối tháng 4 song người dân cho biết họ đã thả giống nuôi từ đầu năm và cam kết có lộ trình dừng. Huyện cũng xem xét đối với từng giống, từng loại một. Ví dụ, một số loại có thời gian nuôi tám tháng đến một năm thì cho lộ trình dừng nuôi đến thời điểm thu hoạch. Những hộ nuôi sâm thì phải đợi hai năm mới thu hoạch được, huyện cũng xét để tới thời điểm thu hoạch đó” - vị này khẳng định.