Mùa hè là mùa để mọi người mọi nhà đi du lịch, về với biển xanh. Hải sản là thực phẩm chính trong các bữa ăn khi chơi ở biển, đồng thời cũng là sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nguy cơ dị ứng hải sản (DƯHS) luôn kề cận. Vì vậy, kiến thức dùng thuốc và xử trí khi bị DƯHS là rất quan trọng.
Việc đầu tiên cần làm khi bị DƯHS là gây nôn, để loại bỏ các chất dị ứng trong thức ăn không phóng thích vào cơ thể thêm nữa. Việc dùng thuốc khi bị DƯHS nhằm giảm nhẹ hoặc mất các triệu chứng dị ứng, quan trọng nhất là chống sốc phản vệ.
Đối với một phản ứng dị ứng nhẹ (mày đay cấp, ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi...), chỉ cần dùng thuốc kháng histamin như: phenergan, cetirizin, chlopheniramin, loratadin... để giảm triệu chứng. Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm, nhưng bệnh nhân không được gãi vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề.
Với các biểu hiện DƯHS nặng hơn thì cần phối hợp thuốc kháng histamin như trên để loại bỏ nhanh các triệu chứng dị ứng kết hợp vài loại thuốc uống hoặc tiêm, truyền:
Epinephrin: Có vai trò nâng huyết áp, chống suy tim, trụy mạch cấp. Phải dùng sớm, tiêm nhanh trong vòng ít phút sau khi phản ứng dị ứng xảy ra. Dùng muộn dễ dẫn đến gia tăng dạng phản ứng phản vệ 2 pha, tăng tỷ lệ tử vong.
Thuốc chống co thắt phế quản: trường hợp DƯHS có phù thanh quản, đặc biệt ở người có bệnh hen thường bị cơn hen cấp nên thường phải dùng thuốc kích thích thụ thể beta-2 dạng hít (salbutamol, salmeterol), có kết hợp với corticoid hít (beclomethazon, fluticazon) hoặc có thể dùng loại ống hít phối hợp hai chất này.
Coticoid (methyprednisolon, prednisone...) đường uống hoặc tiêm truyền đường tĩnh mạch: nhằm giảm cơn co thắt hoặc đề phòng phản ứng phản vệ muộn.
Trường hợp DƯHS có các biểu hiện về tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy...), cần cho người bệnh dùng dung dịch oresol để bù nước và điện giải. Không vội cho họ dùng thuốc cầm tiêu chảy (smectite intergrade, berberin, loperamid...) vì cơ thể cần thải trừ hết độc tố. Các thuốc cầm tiêu chảy có tác dụng làm giảm nhu động ruột nên giảm số lần đi ngoài. Khi đó người bệnh vẫn bị tiêu chảy nhưng các tác nhân gây bệnh lại bị thải hồi rất chậm, làm cho tiêu chảy càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn. Phân không được tống xuất ra ngoài, ứ lại trong ruột sinh đầy hơi, trướng bụng, nôn nhiều...