Nhưng trước đó, XK cá ngừ đã có 7 tháng sụt giảm liên tục nên lượng tăng trưởng trong 2 tháng vừa qua không đủ bù đắp. Do đó, tổng giá trị XK cá ngừ trong 11 tháng đầu năm sang Mỹ vẫn giảm nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt gần 209 triệu USD. Mỹ tiếp tục là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng giá trị XK.
Riêng XK cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam sang Mỹ tính đến hết tháng 11 vẫn tiếp tục giảm. Trong khi, NK cá ngừ đóng hộp của Mỹ lại đang tăng. Đặc biệt, NK cá ngừ đóng hộp từ 3 nguồn cung lớn nhất là Thái Lan, Ecuador và Trung Quốc tăng. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ đóng hộp lớn thứ 4 cho thị trường Mỹ, trong số 37 nước XK dòng sản phẩm này sang đây.
Do xu hướng tăng trưởng NK các dóng sản phẩm làm từ cá thuộc họ cá ngừ vào Mỹ vẫn tiếp tục. Và Trung Quốc là nước cung cấp nhiều nhất dòng sản phẩm này cho thị trường Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), giá FOB trung bình của dòng sản phẩm này NK vào Mỹ đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ vẫn có giá thấp hơn so với giá cá ngừ vằn.
Bên cạnh đó, thuế NK đã tăng từ 4% lên 10% đối với các sản phẩm NK từ Trung Quốc, thuế NK từ các nước khác vẫn duy trì ở mức 4% thấp hơn so với mức 12,5% của cá ngừ vằn truyền thống, cá ngừ vây vàng, hoặc cá ngừ đuôi dài. Điều này đang tạo ra một sự cạnh tranh không công bằng cho các sản phẩm cá ngừ đóng hộp truyền thống.
Còn tại phân khúc thị trường thăn/philê cá ngừ đông lạnh, NK dòng sản phẩm này của Mỹ từ Việt Nam tiếp tục tăng. Hiện Indonesia và Việt Nam tiếp tục là 2 nguồn cung cá ngừ lớn nhất cho thị trường Mỹ, với tỷ trọng lần lượt là 38% và 36%. Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trung bình NK thăn/philê cá ngừ đông lạnh vào Mỹ dao động trong khoảng từ 11 – 12 USD/kg, giá NK từ Indonesia cũng dao động trong khoảng này. Trong khi đó, giá NK thăn/philê cá ngừ đông lạnh của Việt Nam dao động từ 9,96 – 11 USD/kg.