Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ đầu năm đến 15/8/2012, giá trị XK cá tra của Việt Nam sang Indonesia đạt 2,45 triệu USD, trong đó các tháng 2, 4 và 6 đều tăng trưởng so với các tháng cùng kỳ năm 2011. Đáng chú ý là giá trị XK tháng 2 đạt trên 1,3 triệu USD – cao nhất từ đầu năm đến nay và so với cùng kỳ các năm trước.
Tuy nhiên, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 8, không có lô hàng cá tra nào được XK sang thị trường này. XK cá tra của Việt Nam sang Indonesia tăng dần đều từ năm 2008 đến 2010 nhưng từ năm 2011 đến nay lại có xu hướng giảm.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp (DN) đang XK cá tra vào Indonesia, XK cá tra vào Indonesia vướng phải vấn đề cấp phép và hạn ngạch nhập khẩu (NK) từ thị trường này. Các nhà NK Indonesia phải đăng ký để được cơ quan chức năng Indonesia cấp phép và cấp hạn ngạch NK. Một vài nhà NK Indonesia cho biết, do hạn ngạch NK cá tra hạn hẹp và được cấp hạn chế nên họ không thể tiếp tục nhập hàng cá tra mặc dù vẫn có nhu cầu lớn.
Được biết, cơ quan chức năng Indonesia cấp phép và kiểm soát hạn ngạch NK cá tra từ Việt Nam cho DN Indonesia để bảo hộ sản xuất, phát triển sản phẩm cá da trơn, bao gồm cá tra nội địa trong khi nhu cầu của thị trường Indonesia rất lớn và sản phẩm nội địa của họ chưa thể đáp ứng được. Một số chuyên gia cho rằng, điều này chưa phù hợp với các quy tắc vận chuyển, giao thương hàng hóa do WTO thiết lập.
Được biết trong một vài tháng có thời tiết xấu, sản lượng thủy sản khai thác biển không đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, chính phủ Indonesia mới cho phép NK thủy sản. Tuy nhiên, chính phủ nước này sẽ chỉ cho phép NK tối đa 20% tổng nhu cầu sản xuất thủy sản, 80% còn lại phải mua từ nguồn trong nước.
Trong bối cảnh khó khăn về thị trường, đối với ngành cá tra, việc phát triển và duy trì các thị trường như Indonesia là cần thiết với những thuận lợi về vị trí địa lý và chi phí vận tải. Tuy nhiên, trước trở ngại về vấn đề hạn ngạch NK, các DN cá tra trông đợi và kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét đánh giá mức độ phù hợp của các biện pháp mà Indonesia đang áp dụng trong khuôn khổ WTO cũng như kịp thời có biện pháp tháo gỡ thông qua các kênh ngoại giao chính thức, đề nghị phía Indonesia có các biện pháp phù hợp, công bằng về thương mại đối với các DN nhập khẩu cá tra nói riêng và nông thủy sản nói chung vào Indonesia hơn là cấp phép và hạn ngạch hạn chế.
Indonesia là một thị trường tiềm năng. Theo số liệu của Bộ Nghề cá và Hàng hải Indonesia, nhu cầu thủy sản tại Indonesia hàng năm liên tục tăng. Năm 2009, tiêu thụ thủy sản nội địa bình quân đạt 30,17 kg/người/năm, tăng trung bình 5,96% so với năm 2005, riêng từ năm 2008 - 2009 tăng 7,75%.
Tuy nhiên, một tín hiệu vui khác từ việc XK cá tra VN vào Mỹ tăng mạnh.Theo đó, nửa đầu năm 2012, Mỹ nhập khẩu 11.000 tấn cá tra, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, NK cá tra từ Việt Nam đạt 10.600 tấn, tăng mạnh so với 6.700 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ (NMFS) cho biết, năm nay thị trường Mỹ có một số nhà cung cấp mới như Canada và Thái Lan. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nhà cung cấp hàng đầu cá tra vào thị trường này.
NK cá tra vào Mỹ có xu hướng tăng bất chấp nỗ lực yêu cầu tăng cường thanh tra cá NK của người nuôi cá da trơn Mỹ nhằm ngăn chặn NK cá tra vào thị trường này. Hạ viện Mỹ hiện đang xem xét chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Nếu được thông qua, chương trình này sẽ gây khó khăn cho các nhà NK cá tra vào Mỹ.