Những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu cá tra liên tục có sự tăng trưởng đáng chú ý.
Thống kê của VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam tháng 11/2023 đã tăng 24% về lượng và 6% về kim ngạch so với tháng trước. Trong đó, thị trường Trung Đông tăng mạnh nhất với 67% và 48%; tiếp theo là Nam Mỹ với 53% và 41%:
Biểu đồ xuất khẩu tháng 11/2023
Sang tháng 12/2023, xuất khẩu cá tra tăng 17% về lượng và 5% về kim ngạch so với tháng trước. Trong đó, thị trường Mỹ tăng mạnh nhất với 45% và 21%; tiếp theo là Nam Mỹ với 41% và 44%:
Biểu đồ xuất khẩu tháng 12/2023
Xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn ở một số thị trường Trung Quốc, Mexico, Canada, Brazil, Anh… Ngoài sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê thì các sản phẩm khác là bong bóng cá tra khô, chả cá tra đang được nhiều thị trường quan tâm.
Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, bà Trần Thị Hoàng Thư cho hay, tháng 11 vừa qua, EU thông qua quy định mới khiến cá minh thái và cá tuyết có xuất xứ từ Nga bị áp thuế 13,7% chứ không còn hưởng ưu đãi thuế 0% nữa. Việc này khiến các nhà nhập khẩu quan tâm hơn đến sản phẩm cá tra. Thị trường Mỹ cũng đang xem xét đạo luật cấm hoàn toàn cá thịt trắng và thủy sản có nguồn gốc từ Nga, tạo thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam trong năm 2024.
Số liệu của VASEP cho thấy từ tháng 10, xuất khẩu cá tra đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong tháng 10, xuất sang Trung Quốc tăng 15%, sang Mexico tăng 10%, còn sang Brazil tăng liên tục trong 4 tháng 7,8, 9,10 với tỷ lệ từ 35%-57%. Tính đến hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất sang Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu. Đứng thứ 2 là Mỹ, thứ ba là EU. Còn thị trường CPTPP đã thu hẹp mức giảm xuống 4% trong tháng 10/2023 và một số thị trường trong khối đã tăng 10 - 70% như Nhật Bản, Mexico, New Zealand. Khi Anh trở thành thành viên mới của CPTPP cũng sẽ tăng chuỗi cung ứng trong khối, thúc đẩy thương mại trong khối thuận lợi hơn.
Sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế khi được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại hệ thống nhà hàng ăn uống. Ảnh: Tép Bạc
Dự báo năm 2024 của VASEP. Thị trường Mỹ có nhiều dấu hiệu sáng sủa, sau khi giảm tồn kho giá cao của năm 2022, có thể quay lại sôi động hơn. Kết luận cá tra Việt Nam đảm bảo an toàn thực phẩm của FSIS trong đợt thanh tra vừa qua cùng với mức thuế thấp mặc dù mới sơ bộ trong kỳ xem xét hành chính 19 đặt nhiều hy vọng cho năm 2024.
Thị trường Trung Quốc rơi vào trạng thái giảm giá khi nhu cầu yếu. Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2024 tăng 4% so với 5% năm 2023 cho thấy nền kinh tế lớn này vẫn chưa hồi phục như trước Covid. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế khi được sử dụng rộng rãi và ưa thích tại hệ thống nhà hàng ăn uống. Bài toán về giá xuất khẩu vào thị trường này tiếp tục đặt ra cho các doanh nghiệp tìm lời giải.
Các thị trường Brazil, Mexico, Đức và Anh theo đà tăng trưởng từ cuối năm nay, hy vọng hồi phục mạnh mẽ vào năm 2024.
Phân tích của VASEP nhấn mạnh thêm về các yêu cầu chứng nhận mà cá tra Việt Nam phải đáp ứng. Thị trường Trung Quốc đã có thay đổi về qui định kiểm soát an toàn thực phẩm của Cơ quan Quản lý Nhà nước. Thị trường Mỹ bên cạnh thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có nhà máy có code được FSIS chấp nhận, và còn yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu có các chứng nhận Gobal GAP và BAP. Các nhà nhập khẩu EU yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có chứng nhận ASC khi bán vào hệ thống siêu thị. Hệ thống bán lẻ lớn nhất của Đức REWE (chuyên các dòng sản phẩm hữu cơ) yêu cầu phải có chứng nhận Naturland. Xu hướng tiêu thụ các sản phẩm có chứng nhận Bio đang ngày càng trở nên phổ biến tại Châu Âu; đó có thể là một hướng đi khác biệt mở ra nhiều tiềm năng cho sản phẩm cá tra Việt Nam.