Sau khi tăng trưởng 36% trong tháng 1, 16% trong tháng 4 (chỉ giảm 4,5% trong tháng 2 do có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán), tăng trưởng XK thủy sản trong tháng 4 chững lại với kết quả chỉ tăng trưởng dương XK tôm, cá tra, cá biển khác (tăng lần lượt 3%, 19% và 16%), trong khi các mặt hàng hải sản khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và cua ghẹ đều giảm (giảm lần lượt 4%, 9%, 12% và 17%).
Tuy nhiên, nhờ XK tăng khác cao trong 3 tháng đầu năm nên XK 4 tháng vẫn giữ được kết quả khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm tăng 17% đạt gần 1 tỷ USD, trong đó tôm chân trắng vẫn tăng cao 29% đạt 675 triệu USD, chiếm 68%, tôm sú tiếp tục giảm 11% đạt 219 triệu USD. Tuy nhiên, XK tôm trong tháng 4 chỉ còn tăng gần 3% do giảm mạnh sang thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Xuất khẩu cá tra đạt gần 600 triệu USD, tăng 18% nhờ tăng mạnh sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Colombia. Tuy nhiên, XK sang EU, Brazil và Arap Xêut giảm đáng kể. Mặc dù chương trình thanh tra cá da trơn và thuế CBPG tác động đến tình hình XK cá tra sang Mỹ, nhưng XK sang thị trường này vẫn tăng 26% trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên với đà tăng trưởng mạnh 43%, Trung Quốc vượt xa Mỹ, chiếm vị trí thị trường NK cá tra lớn nhất với 145 triệu USD, trong khi XK sang Mỹ đạt 108 triệu USD.
XK cá ngừ 4 tháng đầu năm tăng 10% đạt 184 triệu USD, tuy nhiên trong tháng 4, XK không còn duy trì tăng trưởng dương như những tháng trước, giảm gần 4%.
Dường như vấn đề thẻ vàng IUU bắt đầu thể hiện tác động rõ rệt hơn đến kết quả XK các mặt hàng hải sản trong tháng 4. Trong đó, XK sang thị trường EU thể hiện xu hướng giảm rõ rệt hơn: cá ngừ giảm 10%, mực, bạch tuộc giảm 41%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%... Các DN XK Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan đến các quy định IUU, tuy nhiên giai đoạn đầu, có thể còn thận trọng, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục, vì vậy ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động XK các mặt hàng hải sản, nhất là đối với những mặt hàng thu gom nguyên liệu từ nhiều nguồn, nhiều tàu hàng.