VẪN NHIỀU THÁCH THỨC
Tổng Thư ký Hội Chế biến và XKTS tỉnh (CASEP), ông Ngô Thành Lĩnh nhận định: Năm 2016, XKTS đang đối mặt với hàng loạt cơ hội lẫn thử thách. Nhất là khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường xuất khẩu tôm sẽ cạnh tranh gay gắt, biến động khó lường, phải cạnh tranh với các nước “đối thủ” có ngành nuôi tôm phát triển mạnh như: Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan; sự gia tăng tranh chấp thương mại, vụ kiện chống bán phá giá tôm, chống trợ cấp, các rào cản kỹ thuật với những tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường nhập khẩu lớn… Còn với trên sân nhà, ông Lĩnh cũng tỏ ra lo lắng với những thách thức: Chi phí sản xuất tăng cao, các doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh, thiếu hụt nguyên liệu do tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, diện tích thả nuôi tôm công nghiệp đạt thấp, khoảng 43% diện tích ao đầm hiện có, từ đó các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu chỉ hoạt động được 45% công suất thiết kế. Bên cạnh đó, chất lượng nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ, dư lượng nhiều chất cấm.
Với sản lượng thủy sản chế biến, trong 2 tháng đầu năm đạt 14.100 tấn (10.100 tấn tôm), tăng 5,7% so với cùng kỳ, đạt 12,4% kế hoạch. Trong đó, sản xuất hàng giá trị gia tăng chiếm đến 55% tổng sản lượng chế biến. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng tới 22,8% so với cùng kỳ, đạt 128,7 triệu USD, thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng. Điều đáng mừng là giá tôm nguyên liệu tăng nhiều so với cùng kỳ.
Ông Ngô Văn Nga, Chủ tịch Hội chế biến và XKTS tỉnh: Giá thành sản phẩm thủy sản Việt Nam cao hơn so với các nước, trong khi đó chi phí sản xuất tiếp tục tăng do đầu vào phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài: Con giống, thức ăn, thuốc thú y. Theo tính toán, giá thành sản xuất một con tôm giống của Việt Nam hiện nay cao gấp gần 2 lần so với Ấn Độ; chi phí cho thức ăn trong nuôi tôm cũng cao hơn khoảng 40%. Trong khi đó, do nhiều yếu tố môi trường và dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 33 - 40%, trong khi Indonesia hay Ấn Độ có tỷ lệ nuôi thành công lên tới 70%. Những yếu tố này khiến giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn từ 1 - 3 USD/kg.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) và chất lượng hàng xuất khẩu không đảm bảo, là vấn đề dai dẳng, thách thức đối với ngành thủy sản. Muốn cạnh tranh tốt, vấn đề này cần được giải quyết thông qua sự nỗ lực của cả cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, để tăng cường sức cạnh tranh cho hàng thủy sản xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, bảo vệ thị trường cũng là điều hết sức quan trọng.
Qua khảo sát chung, nhiều hộ nuôi tôm trong tỉnh trăn trở rằng hiện nay giá xăng dầu giảm mạnh, theo đó có rất nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng đã giảm giá, nhưng giá thức ăn, thuốc thủy sản không giảm, ngược lại có nhiều mặt hàng còn có chiều hướng tăng giá. Ngành chức năng cần nghiên cứu tìm giải pháp làm giảm giá thành con tôm để người dân yên tâm sản xuất.
NỖ LỰC CHO SỰ BỨT PHÁ MỚI
Hiện nay, giá tôm đã tăng trở lại, người nuôi có lãi, nhưng sản lượng tôm nguyên liệu đang thiếu hụt để phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn người NTTS sớm lấp đầy diện tích nuôi tôm công nghiệp hiện có; song song đó là kiểm soát chặt chẽ giá cả vật tư đầu vào, chuyển giao, nhân rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh con tôm Cà Mau.
Theo VASEP, với các doanh nghiệp nhóm 2 đang gặp nhiều khó khăn về vốn lưu động, không đủ vốn để phục vụ sản xuất thì đề xuất UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, can thiệp các ngân hàng xem xét nới rộng mức dư nợ tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp chế biến XKTS. Ngành chức năng đã trong tư thế chủ động ngay từ đầu, còn về phía các doanh nghiệp nên lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, hiệu quả và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, tiết kiệm, trả nợ đúng hạn.
Năm 2016, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chuyên môn cần tập trung hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình NTTS có năng suất, chất lượng cao nhưng giảm giá thành sản xuất, nhằm thích ứng với diễn biến giá tôm trên thị trường, chú trọng xây dựng các mô hình tổ chức liên kết chuỗi sản xuất ngành hàng tôm. Bên cạnh đó, xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng giống, thức ăn, vật tư có chất lượng với các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ nuôi để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nuôi tôm.
Ngay từ đầu năm, ở các địa phương trọng điểm về kinh tế NTTS: Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân… đã bắt đầu có sự chủ động triển khai kế hoạch phát triển ngành thủy sản. Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi: “Huyện hiện có hơn 62 ngàn hecta NTTS, trong đó phần lớn được người dân nuôi theo hình thức truyền thống là tôm - cua - cá kết hợp. Tới đây, huyện sẽ chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích”.
Nghề nuôi tôm là hành trình dài, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, vật tư cho NTTS; kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh, chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh trong quá trình sản xuất, kiểm tra nghiêm ngặt từng lô hàng chế biến trước khi xuất khẩu để người dân không còn phải “đơn độc” khi đi theo suốt hành trình này và bản thân doanh nghiệp XKTS cũng thế. Có vậy thì liên kết “4 nhà” mới chặt chẽ và vực dậy được ngành tôm Cà Mau.
XKTS là một trong những thế mạnh của tỉnh, liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây và vượt bậc với kim ngạch trên 1,2 tỷ USD ở năm 2014. Tuy nhiên, bước sang năm 2015, XKTS có dấu hiệu “đuối sức” khi kim ngạch xuất khẩu giảm, đạt thấp với 955 triệu USD, đạt 70,5% so với kế hoạch, giảm 24,4% so với cùng kỳ và thấp hơn so với năm 2013, giảm cả về sản lượng lẫn giá trị, ở tất cả các thị trường và tất cả các doanh nghiệp. Theo kế hoạch năm 2016, tỉnh phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu lên 1 tỷ 252 triệu USD.