Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 796,3 triệu USD, tăng 0,8% so với tháng 7/2019. Như vậy, xuất khẩu thủy sản tháng 7 tiếp tục phục hồi sau khi tăng 0,3% trong tháng 6.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,4 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng khả quan khi tăng 20,8% so với tháng 7/2019, đạt 184,35 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 838,44 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU tháng 7 cũng có dấu hiệu cải thiện khi chỉ còn giảm 2,3% so với tháng 7/2019, trong khi mức giảm các tháng trước ở mức trên 18%. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản vẫn gặp khó khăn và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trở lại.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), dịch Covid-19 không thuyên giảm trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý II/2020. Sau khi giảm 16% trong tháng 5 đạt 639 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% ước đạt 626 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giảm sâu nhất là cá tra khi sụt 31%, cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn
Tuy nhiên, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, vẫn có những dấu hiệu lạc quan cho xuất khẩu khi doanh số bán lẻ trên thị trường thế giới vẫn ổn định hoặc tăng đối với thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói với thời hạn sử dụng lâu hơn.
Giao dịch thủy sản trên thế giới trì trệ vì vận chuyển bị gián đoạn, nhưng xu hướng giao dịch điện tử, bán lẻ online sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường.
Ngoài ra, VASEP cho rằng, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 có thể sẽ là một "cú hích" cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng cuối năm, nhất là những mặt hàng được hưởng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh, mực bạch tuộc chế biến,...
"EVFTA sẽ là cú hích lớn cho ngành thuỷ sản gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước có FTA với EU như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan. Theo nhiều nghiên cứu, sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu có thể tăng 20% so với trước, khi có lợi thế cạnh tranh hơn các nước bạn. Đơn cử với mặt hàng cá ngừ, thuế suất sẽ về 0%, các đối tác châu Âu sẽ tăng mua cá ngừ Việt Nam thay vì mua từ các thị trường khác có mức thuế suất cao", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký của VASEP cho hay.