Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, nhu cầu sản phẩm cá tra trong quý 2/2013 sẽ tăng, giá xuất khẩu có khả năng cải thiện so với quý 1.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, giá cá tra nguyên liệu ở tỉnh Đồng Tháp trong 2 tuần qua đã tăng lên khoảng 500 đồng /kg. Cụ thể, loại 1 từ 0,8 - 0,9 gr/con giá 22.000 đồng/kg bán lấy tiền sớm, nếu bán thiếu từ 22.500 – 23.000 đồng/kg, tùy thời gian trả nhanh hay chậm. Loại cá thịt vàng từ 0,8 – 0,9 gr/con, giá 20.500 – 21.000 đồng /kg.
Cá tra thịt trắng loại trên 1 kg/con giá 20.500 – 21.000 đồng /kg. Hiện nay giá phi lê cá tra xuất khẩu trên thị trường có tăng nhưng không nhiều, khoảng 3 - 5 cent/kg.
Công ty Hùng Cá đã ký hợp đồng có thời hạn giao hàng trong 3 năm (loại không tăng trọng) giá từ 3,5 – 3,6 USD/kg (FOB), loại có tăng trọng giá từ 2,5 - 2,6 USD/kg. Do nhà nhập khẩu đặt hàng loại có tăng trọng với số lượng quá lớn nên công ty không đủ hàng để giao. Trong quý 2/2013, Công ty Agifish cũng sẽ giao hợp đồng xuất khẩu 10.000 tấn phi lê cá tra, trị giá 36 triệu USD cho đối tác Mỹ với giá trung bình 3,52 USD/kg.
Suốt quý 1 và nửa tháng 4, nguồn cung khan hiếm nên giá tôm nguyên liệu luôn ở mức cao. Cụ thể, doanh nghiệp mua vào tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg với giá 95.000 - 96.000 đồng /kg, trong khi giá xuất chỉ khoảng 85.000 đồng /kg (FOB), lỗ trung bình 10.000 đồng /kg nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua để trả nợ hợp đồng đã ký trước.
Từ nửa đầu tháng 4 đến nay, tình hình sản xuất và xuất khẩu đã khả quan hơn, sản lượng tôm một số địa phương có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái nên doanh nghiệp trả nợ bớt lỗ. Sản lượng tôm sú tỉnh Bạc Liêu ước đạt 14.010 tấn, tăng 10,2%.
Tại Cà Mau, sản lượng tôm sú thu hoạch ước đạt 30.700 tấn tăng 13,2%. Tôm thẻ chân trắng nuôi ở Kiên Giang đạt sản lượng 2.706 tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung tôm nguyên liệu được cải thiện, thị trường có nhu cầu, giá tôm xuất khẩu đã tăng từ 1 - 1,5 USD/kg tại hầu hết các thị trường.
Bước qua tháng 5, tình hình xuất khẩu tôm có khởi sắc, một số doanh nghiệp trả nợ xong trong điều kiện bị thua lỗ đã ký được các hợp đồng mới có giá tốt hơn.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cho biết, trong quý 1/2013, tôm sú loại 30 con/kg có giá xuất khoảng 14 – 15 USD/kg.
Từ giữa tháng 4 đến nay, thị trường xuất khẩu có khởi sắc, nguồn cung khả quan hơn nên giá tôm nguyên liệu giảm đôi chút. Các hợp đồng ký mới có giá cao hơn các hợp đồng cũ khoảng 1 - 1,5 USD/kg và giá tăng ở hầu hết các thị trường. Mức tăng này đối với tôm thẻ cỡ lớn (60 con/kg trở lên), tôm thẻ loại 70 con/kg trở xuống tăng khoảng 50 cent/kg.
Mặc dù nhu cầu thị trường đang hồi phục nhưng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) vẫn khuyến cáo, khó khăn về nguồn nguyên liệu, rào cản thị trường như Ethoxyquin tại Nhật Bản, Hàn Quốc, thuế chống bán phá giá cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm cũng như vấn đề dịch bệnh EMS trong tôm nuôi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu trong các tháng tới.
Do vậy, xuất khẩu thủy sản trong quý 2/2013 khó có thể phục hồi mạnh, thậm chí dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phẩm tỏ ra quan ngại, “gần 1 tháng qua tuy thị trường có khởi sắc, nguồn cung nguyên liệu đã khá hơn so với quý 1 nhưng trong quý 2 và 3 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên sản lượng tôm nuôi vẫn còn là ẩn số. Cùng với đó là rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu đang gây khó cho mặt hàng tôm và cá tra”.
Ông Trương Đình Hòe nhận định, Tổng thư ký Vasep cho biết, các doanh nghiệp ngành tôm trong quý 2/2013 có xu hướng duy trì doanh thu xuất khẩu hơn là tăng trưởng vì có khó khăn về nguồn nguyên liệu và rào cản thị trường.
Tín hiệu tốt cho ngành tôm Việt Nam là số doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi xuất khẩu tôm vào Nhật đã giảm mạnh. 2 tháng đầu năm 2013, có 12 doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị cơ quan chức năng Nhật Bản đưa vào chế độ kiểm tra chặt, nhưng trong tháng 4 chỉ có một doanh nghiệp bị đưa vào chế độ này.