Các mặt hàng đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái: cá tra tăng 97%, tôm 71%, cá ngừ 58%, mực và bạch tuộc 45%, cua ghẹ và giáp xác khác 22%, thủy sản khác 49%. Trong tháng 1/2024, thủy sản nước ta đã xuất sang 120 thị trường, với 4 thị trường có kim ngạch hàng đầu là Nhật Bản 130 triệu USD, Trung Quốc và Hồng Kông 118 triệu USD, Mỹ 111 triệu USD, EU 76 triệu USD. Các thị trường chính đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc và Hồng Kông tăng hơn 3 lần, Mỹ tăng 63%, Nhật Bản 43%, EU 34%.
Xuất khẩu tôm đạt 242 triệu USD, tăng mạnh ở 3 thị trường hàng đầu là: Trung Quốc và Hồng Kông 42 triệu USD, tăng 275%; Mỹ 41 triệu USD, tăng 75%; Nhật Bản 37 triệu USD, tăng 30%.
Về hải sản, trong tình hình khó khăn của “thẻ vàng” IUU nhưng tháng 1/2024 cũng đạt 339 triệu USD, tăng 48%. Với 6 thị trường hàng đầu là Nhật Bản 89 triệu USD, Mỹ 50 triệu USD, Hàn Quốc 44 triệu USD, EU 33 triệu USD, Trung Quốc và Hồng Kông 23 triệu USD, Thái Lan 18 triệu USD.
Trong hải sản, đáng chú ý với cá ngừ, một sản phẩm chiến lược nhưng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, sang tháng 1/2024 đã đat 79 triệu USD, tăng 58%, cao nhất ở nhóm hải sản. Gồm cá ngừ chế biến và đóng hộp 42 triệu USD, tăng 85%; cá ngừ tươi, đông lạnh và khô 37 triệu USD, tăng 35%.
Cá ngừ xuất khẩu sang các thị trường đều tăng, 10 thị trường hàng đầu là Mỹ, Israel, Nga, Canada, Nhật Bản, Italy, Đức, Hà Lan, Thái Lan và Ba Lan. Xuất khẩu sang hầu hết các nước EU đều tăng mạnh, cao nhất là Italy gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái; Ba Lan và Thụy Điển cũng tăng cao. Thị trường EU, việc mở lại hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang được khai thác để vượt khó khăn “thẻ vàng” IUU.
Tại thị trường Trung Đông, cá ngừ Việt Nam cũng đã tìm đường vượt qua khó khăn của cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas, để tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Libăng tăng gấp 13 lần, sang Israel và Ai Cập đều tăng 43%. Có phân tích cho rằng, vì lo ngại cuộc chiến kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ ở khu vực này tăng mạnh việc tích trữ, trong đó có cá ngừ đóng hộp.
Thị trường thủy sản toàn cầu thời hậu COVID-19 có nhiều thay đổi. Bên cạnh chiến tranh Nga-Ukraina, xung đột Trung Đông còn có việc Mỹ và EU cấm thủy sản của Nga làm thị phần ở nhiều quốc gia biến động. Ở châu Á, việc thải nước từ nhà máy điện nguyên tử của Nhật Bản và Trung Quốc cấm nhập thủy sản Nhật Bản tạo nên nhiều khoảng trống thị trường. Việc Mỹ và EU cảnh báo vấn đề lao động cưỡng bức tại các nhà máy chế biến Trung Quốc cũng thúc đẩy hai thị trường lớn tìm đối tác cung ứng thủy sản ngoài Trung Quốc.
Giữa bối cảnh biến động thị trường toàn cầu phức tạp, sự tăng trưởng khá ấn tượng xuất khấu thủy sản nước ta trong tháng 1/2024 cho thấy bản lĩnh của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Kinh nghiệm thương trường, ứng phó linh hoạt đã biến được khó khăn thành cơ hội, nhanh chóng thích ứng, đổi mới để phù hợp thị trường thời hậu Covid-19, lạm phát và chiến tranh, tiếp tục phát triển.