Nhiều khởi sắc
Tình hình XKTS của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi. Ông Huỳnh Long Quân - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods - F17 cho biết, sản lượng thủy sản xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm của công ty là 2.500 tấn, trị giá 21 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu tăng 30% - 40%, kim ngạch xuất khẩu tăng 30%. Thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu là Mỹ (chiếm 50%), châu Âu (20%), Hàn Quốc (10%)… Công ty nhập nguyên liệu (sản phẩm xuất khẩu là tôm) từ các tỉnh phía nam và các địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, do đó, nguồn nguyên liệu của công ty không bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung. “Một số khách hàng của công ty cũng hỏi về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, nguyên liệu của công ty hoàn toàn được nhập từ các tỉnh phía nam, chất lượng được kiểm soát”, ông Quân nói.
Các công ty XKTS trên địa bàn tỉnh như: Công ty TNHH Hải Vương, Công ty TNHH Tín Thịnh, Công ty TNHH Hải sản Bền Vững… cũng không ảnh hưởng từ vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung. Phần lớn các công ty này đều lấy nguyên liệu ở các tỉnh phía nam và một phần nhập khẩu. Theo bà Đặng Thị Thu Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững, 6 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu của công ty tăng trưởng nhẹ và có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nguyên liệu cá ngừ đại dương của công ty được lấy 100% từ các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Những khách hàng quen thuộc đều tin tưởng công ty; đồng thời công ty cũng luôn kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu.
Cần chính sách hỗ trợ
Theo báo cáo của Sở Công Thương, sản lượng XKTS 6 tháng đầu năm đạt 36.700 tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch XKTS ước đạt 186,7 triệu USD, tăng 6,75%. Trong khi giá trị xuất khẩu có chiều hướng tăng nhẹ thì nhập khẩu thủy sản có xu hướng giảm. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh nhập 23.900 tấn thủy sản, trị giá 64,2 triệu USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Ông Đặng Xuân Toàn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương) cho biết: “Thời gian qua, nguồn nguyên liệu thủy sản đánh bắt, nuôi trồng trong nước đạt sản lượng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp XKTS chủ yếu lấy nguyên liệu trong nước (phần lớn là các tỉnh phía nam) nên nhập khẩu thủy sản giảm hơn so với năm trước. Để nâng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến, phục vụ các thị trường khó tính”.
Tuy nhiên, ngành XKTS của tỉnh vẫn đứng trước những khó khăn nhất định. Ông Huỳnh Long Quân cho rằng, thời tiết diễn biến thất thường, người nuôi tôm giảm diện tích nuôi trồng nên ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu của công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu nhiều rào cản khi xuất khẩu như: thuế, vấn đề bán phá giá, việc tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu của các thị trường lớn… Một số doanh nghiệp XKTS cũng đưa ra mối quan tâm khi các hiệp định thương mại được ký kết (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc), các doanh nghiệp phải cạnh tranh về giá cả, rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm… khi XKTS. Để vượt qua những khó khăn và duy trì mức độ tăng trưởng bền vững, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành XKTS cần những chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng, hiệp hội.