Gỗ và thủy sản là hai mặt hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý 1/2019 cho thấy thực tế diễn ra khá chính xác. Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,8 tỉ USD.
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sang nhiều nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tăng trưởng mạnh như: Mexico tăng 35,6%, Malaysia tăng gần 22%, Canada tăng gần 14%. Trong khi đó, Nhật Bản duy trì là nhà nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Trong số các nước thành viên CPTPP, Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác ở thị trường Canada. Theo đánh giá của Bộ Công thương với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Canada dự báo sẽ tăng trưởng khả quan.
Thuế nhập khẩu các mặt hàng thủy sản vào Canada như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ... từ Việt Nam đều giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Năm 2018, Canada đẩy mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam với lượng đạt 14.000 tấn, trị giá gần 156 triệu USD, tăng 8,9% về lượng và tăng 7,3% về trị giá so với năm 2017. Tôm Việt Nam chiếm thị phần khá cao trong tổng nhập khẩu của Canada, dù giá tôm Việt Nam cao hơn so với mức giá nhập khẩu trung bình của nước này. Thị phần tôm của Việt Nam tại Canada đã tăng từ 23% hồi năm 2017 lên 25,3% trong năm 2018.
Năm 2018, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Canada với trị giá 232 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2017.