Báo cáo của VASEP tại hội thảo về xu hướng và triển vọng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc diễn ra tại TPHCM hôm 26-8, cho thấy trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 579 triệu đô la Mỹ, giảm 27,7% so với cùng kỳ; sang EU đạt 547 triệu đô la Mỹ, giảm 14%; sang Nhật Bản đạt 457 triệu đô la Mỹ, giảm 10,4%.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 6 năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 70,15 triệu đô la Mỹ, tăng 50,7% so với cùng kỳ, còn xuất khẩu tôm đã tăng đến 70% so với cùng kỳ.
Mức tăng trên có được là do Chính phủ Trung Quốc đang có nhiều chính sách khuyến khích nhập khẩu thủy sản vì tôm Trung Quốc đang bị dịch EMS, không đủ sản lượng nên Trung Quốc cần nhập nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đang tăng mạnh.
Bàn về triển vọng thị trường Trung Quốc, đa phần các doanh nghiệp có mặt tại hội thảo đều cho rằng đây chỉ là thị trường thay thế khi xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, và EU gặp khó khăn. Vì Trung Quốc chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về xuất nhập khẩu thủy sản, việc buôn lậu diễn ra nghiêm trọng làm phá vỡ trật tự thị trường.
Việc đàm phán giá cả với Trung Quốc cũng hết sức khó, các thương lái Trung Quốc thường ép giá, đòi hỏi doanh nghiệp của Việt Nam phải thực sự nhẫn nại. Trong khi đó doanh nghiệp Việt thiếu thông tin về xu hướng, biến động thị trường cũng như các thủ tục nhập khẩu và các chính sách của Trung Quốc, khiến cho không ít doanh nghiệp loay hoay và lo ngại khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đồng thời, thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra, chưa được người dùng nước này nhận diện, và hoàn toàn không có thương hiệu trên thị trường, nên việc tạo ra chỗ đứng vững chắc chắn không dễ.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, chiến lược chắc chắn nhất để xâm nhập thị trường Trung Quốc là xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường bền vững.