Nguồn cung hạn hẹp
Nước ta bắt đầu xuất khẩu thuyền viên tàu cá từ năm 1992 tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Nguồn lao động (LĐ) hầu hết xuất xứ từ ngư dân các tỉnh ven biển. Khác với LĐ trên bờ, nghề đánh cá đòi hỏi không những có kỹ năng chài lưới, mà còn chịu được sóng gió và lênh đênh hàng tháng trời trên biển cả. Do những khó khăn, nguy hiểm và mức thu nhập không cao nên những năm gần đây, phân khúc thị trường LĐ này luôn trong tình trạng mất cân đối, cung không đủ cầu.
Tuy hoạt động XKLĐ nghề cá cũng giúp cho không ít gia đình ngư dân nghèo ven biển cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập, đóng góp một phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu XKLĐ hàng năm của cả nước... nhưng cũng tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn đầu tiên là nguồn cung hạn hẹp.
Mấy năm nay nguồn cung LĐ cho tất cả các thị trường chỉ còn giới hạn ở 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Các doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng LĐ thuyền viên đều đổ xô về 3 tỉnh này để tuyển người. Do khó khăn về nguồn, mạng lưới “cò” lao động nở rộ. Có trường hợp đến tận thời gian chuẩn bị xuất cảnh, doanh nghiệp mới biết mặt người LĐ và tiến hành khẩn cấp các thủ tục cho kịp chuyến bay. Qua các “cò”, chi phí xuất cảnh của người LĐ tăng lên, trong khi doanh nghiệp không đào tạo lao động được một cách cơ bản.
Một khó khăn lớn nữa là một số doanh nghiệp yếu khâu đào tạo, chạy theo số lượng, LĐ không được chuẩn bị kỹ lưỡng, nên sự cố thường xuyên xảy ra. Đối tác nước ngoài dựa vào các yếu điểm này để ép lương thưởng, tăng chi phí phạt...
Cần các giải pháp tích cực
Trước thực trạng này, Hiệp hội XKLĐ phối hợp với Cục Quản lý LĐ ngoài nước có nhiều động thái tích cực để giải quyết. Hiệp hội đã thành lập Ban cung ứng thuyền viên tàu cá vào tháng 5.2009 với 12 thành viên cũng đã tạo được sự chuyển biến nhất định trong cung cách làm ăn của các doanh nghiệp.
Tuy chưa đạt được sự đồng thuận tuyệt đối, nhưng các doanh nghiệp này cũng đã ngồi lại với nhau để thống nhất các nguyên tắc về tạo nguồn, về các quyền lợi của LĐ khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, về mức xử phạt của đối tác nước ngoài đối với các thuyền viên vi phạm, yêu cầu về lương. Đặc biệt là luôn yêu cầu đối tác chỉ bố trí LĐ ta làm việc trên các tàu có điều kiện làm việc và sinh sống chấp nhận được, chủ tàu có thái độ đối xử đúng mực, tôn trọng nhân cách thuyền viên...
Một số quyền lợi của người LĐ đạt được ở mức cao hơn trước trong đàm phán với đối tác nước ngoài; được Cục Quản lý LĐ ngoài nước coi là chuẩn tối thiểu khi thẩm định hợp đồng đối với tất cả doanh nghiệp cung ứng thuyền viên tàu cá Đài Loan...
Trên cơ sở phân tích tồn tại này, các doanh nghiệp đã thẳng thắn làm việc với đối tác Đài Loan để giải quyết, nâng cao trách nhiệm của đối tác trong việc hợp tác với doanh nghiệp xử lý các sự cố xảy ra đối với người LĐ.
Hiện nay, việc Cục Quản lý LĐ ngoài nước tiếp tục xúc tiến nối cung - cầu LĐ nghề cá ở Quảng Ngãi là bước đi tích cực. Thực tế, trước kia các doanh nghiệp đã tuyển LĐ ở tất cả các tỉnh ven biển, nhưng không giữ chân được LĐ. Tôi cho rằng nếu LĐ được đào tạo tốt, có mức lương hợp lý, điều kiện lao động tốt và bảo vệ được LĐ thì không có lý gì LĐ lại chê cả.