Theo ông Anwar Hashim - cựu Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Ấn Độ (SEAI) và cũng là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu tại Ấn Độ, sự tăng trưởng xuất khẩu tôm bắt nguồn từ hai yếu tố chính: sản lượng tôm ở các nước Đông Nam Á giảm mạnh trong khi mức thuế chống trợ cấp (CVD) của tôm Ấn Độ tại thị trường Mỹ giảm.
Năm 2013, sản lượng tôm ở các nước Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề do sự lây lan dịch bệnh EMS. Sản lượng tôm Thái Lan, nước sản xuất tôm lớn thứ hai thế giới, giảm gần một nửa so với mức trung bình (500.000 tấn/năm). Tương tự, các nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới như Việt Nam và Malaysia cũng bị ảnh hưởng nặng. Đây chính là cơ hội cho Ấn Độ tăng cường xuất khẩu tôm sang các nước Đông Nam Á. Vì các nhà máy chế biến ở các quốc gia Đông Á phải phụ thuộc vào nguồn tôm nhập khẩu từ Ấn Độ để thực hiện hợp đồng ký kết với các đối tác châu Âu và Mỹ. Các quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan năm ngoái cũng phải tăng cường nhập khẩu tôm từ Ấn Độ, chủ yếu là để tái xuất.
Nhu cầu tiêu thụ nội địa của Hàn Quốc tăng cao cũng góp phần khiến giá tôm thế giới tăng. Năm 2013, dịch bệnh EMS lây lan khiến giá tôm thế giới tăng khoảng 2-3 USD/kg. Giá tôm trung bình tăng đến mức 9-10 USD/kg (loại 20-30 con) so với mức 7-7,5 USD/kg trước đó.
Hủy bỏ thuế chống trợ cấp - Một lợi ích cho Ấn Độ
Tính theo giá trị xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm của Ấn Độ, chiếm 51,24% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Ấn Độ. Tiếp theo là các quốc gia Đông Nam Á (16,10%), EU (15,82%) và Nhật Bản (4,94%). Tháng 9/2013, Mỹ đã quyết định giảm mức thuế chống trợ cấp xuống còn 0% so với mức 5,85% được áp dụng trước đó cho mặt hàng tôm Ấn Độ, làm gia tăng lượng xuất khẩu tôm Ấn Độ vào thị trường này.