Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng tôm nuôi 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 134.000 tấn, ước 6 tháng đầu năm đạt hơn 159.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ. Sản lượng tôm giảm là do nắng hạn kéo dài, độ mặn tăng cao làm cho tôm nuôi chậm phát triển, thậm chí, nhiều diện tích gần như bị thiệt hại trắng, cao điểm nhất từ tháng 4 đến tháng 5. Ngoài ra, tại một số địa phương xuất hiện dịch bệnh trên tôm như bệnh hoại tử gan tụy, đốm trắng trên tôm công nghiệp, bệnh đỏ thân... gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Ông Ngô Thanh Lĩnh, Tổng Thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Cà Mau cho biết: “Ðiều kiện nuôi tôm năm nay khó khăn nên sản lượng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu. Dự báo các nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau chỉ có thể hoạt động khoảng 50-60% công suất. Vì vậy, chỉ tiêu xuất khẩu tôm năm 2016 mà tỉnh Cà Mau đưa ra hơn 1,2 tỷ USD, nhưng dự kiến chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD”.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình nuôi khó khăn khiến nông dân bất an. Nhiều hộ giảm diện tích nuôi hoặc chưa dám nuôi, nên sản lượng tôm thiếu hụt. Hiện tôm thẻ loại 100 con/kg giá 103.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá vượt ngưỡng 300.000 đồng/kg… Dù giá tôm rất cao, nhưng các nhà máy chế biến khó mua bởi sản lượng tôm không nhiều và bởi sự cạnh tranh về giá với thương lái Trung Quốc.
Ông Ngô Thanh Lĩnh cho biết thêm: “Nơi cung cấp nguyên liệu chính cho Trung Quốc là Ecuador. Tuy nhiên, vừa qua nước này bị sự cố động đất nên dẫn đến thiệt hại trong sản xuất, từ đó nguồn cung cho Trung Quốc bị thiếu cục bộ. Trong khi Ấn Ðộ lại rơi vào trái vụ tôm nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường Trung Quốc bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến nhu cầu gom hàng của thương lái nước này càng cao. Việc gom hàng này cũng đã ít nhiều đem đến lợi ích trước mắt cho người nuôi tôm Cà Mau, tuy nhiên, về lâu về dài thì vấn đề thiếu nguyên liệu sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn”.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, ước tính kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 416 triệu USD, bằng 98% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản đánh giá, mặc dù thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm chưa sâu là do còn nguồn nguyên liệu dự trữ nên việc chế biến chưa gặp khó nhiều. Những tháng còn lại của năm mới thật sự gay go, đặc biệt khó đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu như tỉnh không có các giải pháp giúp đỡ.
Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần kiểm soát chặt dư lượng kháng sinh, hoá chất trong nuôi trồng và chế biến. Nếu thực hiện nghiêm ngặt, sản lượng thuỷ sản có thể giảm, nhưng chất lượng sản phẩm sẽ được cải thiện hơn, đảm bảo uy tín của thuỷ sản Việt Nam trên thị trường thế giới./.