Theo thống kê của Tổng cục Hải quan từ đầu năm đến hết tháng 9, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, thị trường tiêu thụ lớn nhất, đạt 440,6 triệu đô la Mỹ, tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này là nhờ xuất khẩu trong các tháng đầu năm.
Trong khi tháng 8 và tháng 9, giá trị xuất khẩu tôm qua Nhật giảm liên tiếp 16,6% và 9,2% so với cùng kỳ do Nhật Bản siết chặt quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hoá chất, kháng sinh, đặc biệt là đối với chất Ethoxyquin.
Xuất khẩu qua thị trường Mỹ trong 9 tháng chỉ đạt 333,047 triệu đô la Mỹ, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tôm qua EU cũng chỉ đạt 229, 389 triệu đô la Mỹ, giảm đến 24,6%...
Ông Nguyễn Tấn Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần tập đoàn Thủy thủy sản Minh Phú, doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm thừa nhận thực trạng khó khăn của ngành tôm. Theo ông Anh, 50% số doanh nghiệp tôm ở ĐBSCL ngừng hoạt động, 30% “chết lâm sàng” - không có nguyên liệu để hoạt động, 20% hoạt động cầm cự không hiệu quả…
Ngày 17-10, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã công bố danh sách 14 doanh nghiệp thủy sản có lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm về dư lượng hoá chất, kháng sinh kể từ ngày 12-6 đến nay. Các lô hàng của 14 doanh nghiệp vi phạm sẽ bị áp dụng chế độ kiểm tra chặt và phải được các trung tâm chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận trước khi cho thông quan.
Ông Ngô Bình Long, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho hay, mặc dù bán qua Nhật là các mặt hàng tôm đã qua chế biến, không nằm trong diện kiểm soát chặt như trên nhưng doanh thu của công ty ông qua thị trường này cũng không bằng năm trước.