Sau giai đoạn XK ảm đạm trong năm 2015 (XK trong tất cả các tháng đều giảm so với 2014), các DN XK tôm đạt được kết quả tích cực trong 2 tháng mở đầu năm nay. Kết quả khả quan 2 tháng đầu năm là do giá trị XK tôm sang Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng tốt trên 36%; XK sang một số thị trường chính khác giảm nhẹ: EU giảm 1,8%; Nhật Bản giảm 2,4%; Hàn Quốc giảm 0,6%, Canada giảm 17,3%; ASEAN giảm 2,5%.
Hai tháng đầu năm nay, Mỹ và Trung Quốc - Hongkong là 2 thị trường nổi bật nhất trong bức tranh XK tôm. Từ vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường XK lớn nhất (gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc - Hongkong và Hàn Quốc) năm 2015, Trung Quốc - Hongkong vượt qua Nhật Bản, EU vươn lên đứng thứ 2 (sau Mỹ) với giá trị XK đạt 64,8 triệu USD, chiếm 17,1% tổng XK.
Trong tổng XK tôm, tôm chân trắng chiếm tỷ trọng cao nhất với 56,1%; tôm sú chiếm 35,8% và tôm biển khác chiếm 8,1%. So với cùng kỳ năm 2015, tỷ trọng tôm chân trắng và tôm biển khác giảm (lần lượt chiếm 59,4% và 30,7%) trong khi tỷ trọng tôm sú tăng (9,9% ).
Mỹ: Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm 24,8% tổng XK. XK tôm sang thị trường này trong tháng 2/2016 đạt 43,8 triệu USD; tăng 52,3% so với tháng 2/2015. Kim ngạch XK tôm sang Mỹ 2 tháng đầu năm nay đạt 93,8 triệu USD; tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong tháng 9/2015, khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8, nhiều DN dự báo, XK tôm sang Mỹ sẽ tăng dần. Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, tổng giá trị XK tôm sang Mỹ vẫn giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước. 2 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường Mỹ mới bắt đầu tăng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tôm từ thị trường Mỹ năm 2016 được dự báo sẽ nhích lên do USD tăng giá, giá tôm giảm so với 2 năm trước đây và tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Doanh số bán tôm từ dịch vụ thực phẩm và các hãng bán lẻ tăng cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu NK tôm của thị trường này.
Theo trang tin Undercurrentnews, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới đây đề xuất tăng thuế NK đối với tôm từ Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan trong đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR10). Đợt xem xét này sẽ bao gồm tôm được NK vào Mỹ trong giai đoạn từ 1/2/2014 đến 31/1/2015. Nếu kết quả chính thức vẫn như đề xuất trên của DOC, XK tôm Việt Nam sang thị trường này có thể bị ảnh hưởng.
Trung Quốc-Hongkong: Hai tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt 64,8 triệu USD; tăng 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái- mức tăng trưởng mạnh nhất trong top 10 thị trường NK tôm Việt Nam. Nhờ mức tăng trưởng này, thị trường này đã vươn lên vị trí thứ hai sau Mỹ. Đây có thể là sự chuyển hướng của các DN tôm Việt Nam trong bối cảnh XK sang các thị trường chính truyền thống gặp khó khăn. Trong khi nhu cầu NK tôm để chế biến và XK của Trung Quốc tăng do Chính phủ nước này khuyến khích NK tôm nguyên liệu để bù đắp sản lượng tôm trong nước đang sụt giảm.
Mặc dù, giá trị XK tăng trưởng khả quan nhưng các DN vẫn khá thận trọng khi XK sang thị trường này do XK sang thị trường này chủ yếu là tôm nguyên liệu nên giá trị không cao. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các DN vẫn nên tìm tới các thị trường mới có giá trị XK cao hơn và có sự bền vững về thị trường hơn.
EU: Tháng 2/2016, XK sang thị trường EU đạt 26,3 triệu USD; tăng 2,3% so với tháng 2/2015. Tuy nhiên XK 2 tháng đầu năm lại giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái với 63,5 triệu USD. Đáng chú ý, thị trường Bỉ đã vượt qua Hà Lan lọt vào top 3 thị trường NK tôm Việt Nam lớn nhất trong khối (lần lượt là Anh, Đức, Bỉ). Giá trị XK tôm sang Anh và Bỉ trong 2 tháng đầu năm nay tăng lần lượt 38% và 42,5% trong khi XK sang Đức giảm 15,8%. Đầu năm 2016, đơn đặt hàng từ các nhà NK châu Âu tăng do tồn kho giảm.
Ở EU, nhu cầu thực phẩm dễ chế biến và chế biến nhanh đang có xu hướng tăng do áp lực công việc. Trước đây, EU chủ yếu NK tôm HOSO tuy nhiên thị trường này hiện có xu hướng NK nhiều hơn các sản phẩm chế biến sẵn như tôm tẩm ướp gia vị hoặc xiên que.
Do khủng hoảng kinh tế, giá trị NK dự kiến giảm tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn ổn định. Nhu cầu tôm giá hợp lý như tôm chân trắng sẽ tăng trong khi nhu cầu tôm sú sẽ giảm.