Yếu tố thị trường
Để giải quyết dứt điểm những khó khăn trên, nhiều chuyên gia ngành hàng cá tra cho rằng, muốn ngành hàng này phát triển ổn định và bền vững, ngư dân, doanh nghiệp (DN), nhà quản lý và nhà khoa học phải tập trung giải quyết 2 yếu tố quan trọng của chuỗi giá trị ngành hàng là: thị trường, con giống. Phải tổ chức sản xuất từ tín hiệu của thị trường, tức là sản xuất phải có kế hoạch và dựa trên sản lượng, số lượng hợp đồng của các DN đã ký với các nhà nhập khẩu tại các quốc gia tiêu thụ sản phẩm này.
Tùy theo độ mở của thị trường, mở đến đâu thì sản xuất đến đó. Tránh tình trạng sản xuất nhiều, thị trường mở ra không kịp dễ dẫn đến “cung cầu bất nhất”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang Lê Chí Bình phân tích, về lý thuyết nói vậy là đúng, song trên thực tế, khi giá cá tra nguyên liệu ở mức cao (thời điểm tháng 10-2018 giá cá tra lên đến 35.000-36.000 đồng/kg, lãi 10.000 đồng/kg), các cơ quan quản lý chuyên ngành đưa ra nhiều khuyến cáo nhưng bà con ngư dân chẳng ai chịu nghe. Ngư dân lẫn DN “ùn ùn” mở rộng vùng nuôi, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để nuôi cá với mật độ cao, nuôi thúc để kịp bán cá khi giá ở mức cao. Nhiều người nuôi, sản lượng tăng đột biến, từ đó dẫn đến gặp khó trong khâu tiêu thụ.
“Mặc dù cá tra đã xuất đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng hàng năm ĐBSCL phát triển sản lượng chỉ ở quanh mức 1,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 2,26 tỷ USD (năm 2018), bán vào 140 quốc gia nhưng chỉ 5 thị trường xuất nhiều là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Châu Á và Mexico, còn các thị trường khác vẫn có mặt hàng này nhưng giá trị không lớn. Về phát triển thị trường, chúng ta mới phát triển chiều rộng, còn chiều sâu chưa như mong muốn, bởi cá tra xuất vào Hoa Kỳ chủ yếu là cá tra fillet đông lạnh, các sản phẩm giá trị gia tăng như: chạo, cá tra xiên que, cắt khúc… sản lượng rất ít”- Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú Nguyễn Hữu Nguyên phân tích.
Theo ông Nguyên, ngành cá tra nên phá vỡ thế “phụ thuộc” vào một số thị trường kể trên, tiếp tục phát triển thêm nhiều thị trường khác bằng các mặt hàng cũ (sản phẩm fillet) lẫn mặt hàng mới (hàng giá trị gia tăng) để từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu. 5 năm qua, các DN xuất khẩu tập trung xuất vào thị trường Trung Quốc bằng 2 con đường tiểu ngạch và chính ngạch, khi thị trường này bị “hắt hơi”, ngay lập tức ngư dân gặp khó khăn.
Con giống
Phá vỡ thế phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu là mong muốn chính đáng của những người tham gia vào ngành hàng sản xuất cá tra. Còn nhớ, năm 2016 và 2017, khi các DN tiến hành nhập khẩu mặt hàng cá tra xẻ bướm với giá 2,2 USD/kg, nhiều DN của ngành hàng xuất khẩu cá tra đã tập trung nhân lực để xuất hàng vào thị trường Trung Quốc. Có DN mỗi tháng xuất trên 500 tấn vì sản phẩm dễ làm, lợi nhuận phải chăng, vòng quay vốn nhanh, từ đó đã lãng quên những thị trường khác, trong đó có thị trường trong nước. Chính điều này đã gặp phải khó khăn khi thị trường Trung Quốc siết chặt điều kiện nhập hàng. “Ngoài thị trường, theo tôi ngành hàng cá tra cần phải tập trung vào khâu sản xuất con giống. Bởi, thực tế trong thời gian qua, do con giống bị thoái hóa nên khi thả vào hầm nuôi từ con giống lên cá thương phẩm, tỷ lệ hao hụt rất cao” - ông Trần Văn Sơn (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) khẳng định.
Nhận thức được vấn đề vừa nêu, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại ĐBSCL” đã ra đời. Mục tiêu của đề án là giải quyết được tình trạng thiếu hụt con giống như trong thời gian qua, đồng thời cộng đồng sẽ có được con giống khỏe, sạch bệnh. Tại An Giang, đã có 2 chi hội sản xuất giống theo đề án này ra đời. Các DN như: Agifish, IDI, Công ty Phát triển Lộc Kim Chi đã tham gia bao tiêu cá giống. Như vậy, yếu tố con giống đã được chú trọng giải quyết. Song, đề án được triển khai trong bối cảnh thị trường đang khủng hoảng cá nguyên liệu lẫn cá giống, vì vậy việc quy định giá sàn cho cá giống (loại 30 con/kg) bỗng dưng không có ý nghĩa, bởi thị trường hiện nay, cá giống chỉ còn 18.500 đồng/kg. “Giá cá giống rớt xuống thấp như hiện nay, tôi cho rằng đó là biến động nhất thời. Chúng tôi tiếp tục thực hiện đề án, bởi khi có được con giống khỏe, sạch bệnh thì giá thành nuôi mới thấp được, từ đó mới nâng cao khả năng cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới” - ông Lê Công Danh (Chi hội giống cá tra 3 cấp huyện Châu Phú) khẳng định.
“Muốn ngành hàng cá tra phát triển bền vững, những người cùng làm ngành hàng này phải có tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tuân thủ quy hoạch. Nhà nước tiếp tục tạo cơ chế, hành lang pháp lý để những người tham gia “tự quản” với nhau, nghĩa là nâng cao hơn nữa vai trò của hiệp hội ngành hàng. Hãy trả việc quản lý về cho cộng đồng như các quốc gia khác đã làm, có như vậy mới hy vọng phát triển mang tính bền vững”- ông Nguyễn Hữu Khánh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang) khẳng định.