Nội dung được tiến sĩ Bùi Quang Tề biên soạn và tham luận tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thủy sản phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” được tổ chức ngày 18 tháng 4 năm 2022, tại thành phố Ninh Bình.
Quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt
Quy phạm thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt (Good Aquaculture Practices, viết tắt là GAqP) là quy phạm thực hành ứng dụng trong NTTS với mục tiêu là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho nguyên liệu thủy sản nuôi góp phần giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra môi trường bền vững và đem lại lợi ích thiết thực cho người nuôi.
GAqP là các thực hành quản lý hoặc hướng dẫn được soạn thảo nhằm giảm thiểu nguy cơ các sản phẩm thủy sản được nuôi tại cơ sở bị nhiễm mầm bệnh, hoá chất, chất bẩn và thuốc thú y bị cấm hoặc sử dụng sai quy cách. Quy định GAqP có thể hiểu là những thực hành cần thiết để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về ATVSTP.
Quy định GAqP có thể hiểu là những thực hành cần thiết để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
GAqP bao gồm các bước: Lựa chọn địa điểm nuôi; xây dựng hệ thống nuôi; chuẩn bị ao lồng/bè nuôi; chọn giống, thả giống nuôi; chọn thức ăn và cho ăn; quản lý thuốc thú y và hoá chất xử lý môi trường; quản lý môi trường ao nuôi; xử lý chất thải sau khi nuôi; quản lý sức khoẻ cá nuôi; thu hoạch và bảo quản sản phẩm; tổ chức trang trại; quản lý hồ sơ của từng ao nuôi.
Thực hành NTTS tốt- GApP chúng ta phải hiểu được các nội dung chính: bảo vệ môi trường, kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo ATVSTP
Công nghệ nuôi trồng thủy sản đảm bảo ATVSTP
Dựa trên các mối nguy ảnh hưởng đến ATVSTP, chúng ta thực hiện 11 nội dung chính của quy trình công nghệ nuôi bảo đảm ATVSTP như sau:
1. Xây dựng và cải tạo hệ thống nuôi
2. Chọn giống và mật độ nuôi
3. Thức ăn và quản thức ăn
4. Quản lý thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi cá
5. Quản lý môi trường nuôi
6. Xử lý chất thải sau khi nuôi
7. Quản lý sức khoẻ cá nuôi
8. Thu hoạch
9. Quản lý trang trại
10. Hạch toán kinh tế
11. Hồ sơ và lưu trữ hồ sơ
1. Xây dựng và cải tạo hệ thống ao nuôi
Ao nuôi cá thương phẩm tuỳ theo mức độ đầu tư, nuôi với quy mô nhỏ: diện tích ao 500 - 2.000m2; nuôi quy mô lớn từ 5.000 - 10.000m2 và có lớn hơn vài ba ha. Độ sâu của ao 1,5 - 2,5m.
Xây dựng và cải tạo hệ thống ao nuôi theo mức độ đầu tư. Ảnh: Foto_by_M.
2. Chọn giống và mật độ thả
Chọn giống cá theo Thông tư hướng dẫn của Bộ NN. Mật độ thả tuỳ theo mức độ nuôi thâm canh.
Một số giống loài thủy sản có tiềm năng:
- Đối với nước mặn lợ: Tôm sú, tôm chân trắng, cá song (cá mú), cá đối mục, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng, hầu cửa sông, ngao,…
- Đối với nước ngọt: Tôm càng xanh, cá chép, cá trắm cỏ, cá trắm đen,…
- Có thể chọn các giống thủy sản bản địa tại địa phương.
3. Thức ăn, khẩu phần ăn
Lựa chọn thức ăn theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN- 02-14-2009/BNNPTNT), không có kháng sinh và hoá chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản (theo Thông tư số 08/2014/TT- BNN, ký ngày 25/2/2014), cá thương phẩm khi thu hoạch không nhiễm hoặc nhiễm dưới mức cho phép các chất hoá học đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lựa chọn thức ăn theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN- 02-14-2009/BNNPTNT). Ảnh: Urvashi9.
Thức ăn công nghiệp: Nên sử dụng thức ăn viên công nghiệp để nuôi cá vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường lại giúp cá tăng trưởng nhanh. Thức ăn không được nhiễm Salmonella, nấm mốc độc (Aspergillus flavus), độc tố (aflatoxin).
Thức ăn tự chế biến: Khi sử dụng thức ăn tự chế biến để nuôi cá nguyên liệu chế biến phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh.
4. Quản lý thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi cá
Để đảm bảo sản xuất Cá thương phẩm ATVSTP, cần phải sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường được phép lưu hành tại Việt Nam theo các Quyết định, các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Thông tư số 08/2014/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
5. Quản lý môi trường nuôi
5.1. Định kỳ thay nước ao nuôi
Trong quá trình nuôi, nước ao thường xuyên bị ô nhiễm và có mùi hôi, nên định kỳ thay nước để giảm chất thải trong ao, tạo cho nước trong sạch, kích thích cá lớn nhanh, kháng được bệnh và chất lượng thịt cá được cải thiện.
Nước nuôi trong, sạch cải thiện kích thước và sức khỏe của cá. Ảnh: Y-studio
5.2. Sử dụng hoá chất và chế phẩm sinh học cải thiện môi trường nuôi
Sử dụng bột đá vôi- CaCO3 hoặc CaMg(CO3) bón định kỳ cho ao nuôi cá 10 ngày/lần, liều lượng 10-20kg/1.000m3 nước.
Sử dụng Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi, để chúng hấp thu các độc tố (NH3, NO2, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 10-20kg/1.000m3, định kỳ 10 ngày/lần.
Từ tháng thứ 3-6 định kỳ 7-10 ngày/lần phun TCCA hoặc IODIN đẻ khử trùng ao và diệt bớt tảo phát triển trong ao
Sử dụng một số chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường nuôi.
Bảng 1: Một số thông số môi trường nuôi
Thông số | Giới hạn tối ưu | Yêu cầu |
Nhiệt độ 0C | 27 - 33 | Biến động hàng ngày < 30C |
pH | 7,5 - 8,5 | Biến động hàng ngày < 0,5 |
Oxy hòa tan | 5 - 6 mg/l | Không nhỏ hơn 4mg/l |
Độ kiềm | > 80mg CaCO3/l | Phụ thuộc vào dao động của pH |
Độ trong | 30 - 40cm | Phụ thuộc vào tảo phát triển và ô nhiễm nước |
PO4 | 0,5-1,0mg/l | Cuối chu kỳ hàm lượng tăng cao |
COD | 5-10mg/l | Phụ thuộc vào ô nhiễm nước và đáy ao |
NH3 | < 0,1mg/l | Độc hơn khi pH và nhiệt độ cao |
NO2 | < 0,25mg/l | Độc khi thiếu oxy hòa tan |
H2S | < 0,02mg/l | Độc khi pH thấp |
Một số dụng cụ cần thiết cho nuôi trồng thủy sản
+ Nhiệt kế (đo nhiệt độ): 6h 14h 20h, đo tầng mặt, tầng đáy
+ pH cuộn giấy, hộp test, máy đo
+ Máy đo hoặc hộp test đo oxy
+ Khúc xạ kế đo độ mặn
+ Đĩa đo độ trong
+ Đo Kiềm, NH4, NO2, H2S
+ Kính hiển vi
Sử dụng hoá chất và chế phẩm sinh học cải thiện môi trường nước nuôi. Ảnh: Numbeos
6. Xử lý chất thải sau khi nuôi
6.1. Xử lý chất thải lỏng
Sau khi thu hoạch cá, dùng VICATO (liều lượng 5-10g/m3 nước) khử trùng môi trường ao nuôi, sau 2-3 ngày có thể dùng Chế phẩm sinh học để xử lý mùn bã hữu cơ trong ao.
6.2. Xử lý chất thải rắn
Sau khi xử lý khử trùng tháo cạn nước ao, hút bùn hoặc gom các chất cặn bã và thức ăn thừa ở đáy ao chuyển ra khỏi ao nuôi về một nơi quy định có thể dùng làm phân bón cho cây trồng
7. Quản lý sức khoẻ cá nuôi
7.1. Những bệnh thường gặp ở cá nuôi
- Cá nuôi thường gặp bệnh xuất huyết và hoại tử nội tạng (đốm trắng) do vi khuẩn, bệnh xuất hiện ở cả giai đoạn cá giống và cá thương phẩm.
- Bệnh xuất hiện vào thời gian chuyển mùa xuân và mùa thu ở phía Bắc. Một số bệnh ký sinh trùng như bệnh trùng bánh xe, bệnh sán lá đơn chủ gây tác hại chủ yếu ở giai đoạn cá giống. Bệnh trùng quả dưa gây bệnh ở giai đoạn cá thương phẩm mùa xuân và mùa đông.
- Sử dụng thuốc phòng trị bệnh cho cá theo đúng những quy định về phòng bệnh cho cá nước ngọt
Phòng trị bệnh cho cá nuôi phải đúng quy định.
Một số bệnh thường gặp trên cá nuôi
1. Bệnh xuất huyết do vi rút (viêm bóng hơi) trên cá chép
2. Bệnh Herpesvirus trên cá chép- KHV
3. Bệnh xuất huyết do vi rút ở cá trắm cỏ
4. Bệnh vi rút cá rô phi TiLV (Tilapia Lake Virus)
5. Bệnh viêm ruột do vi khuẩn
6. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn
7. Bệnh hoại tử gan thận (gan thận mủ)
8. Bệnh nấm thuỷ my
9. Bệnh bào tử sợi
10. Bệnh trùng bánh xe
11. Bệnh trùng quả dưa
12. Bệnh trùng loa kèn
13. Bệnh sán lá đơn chủ
14. Bệnh trùng mỏ neo
15. Bệnh rận cá
8. Thu hoạch
Áp dụng theo tiêu chuẩn ngành:
- Trước khi thu hoạch 15 - 20 ngày kéo cá kiểm tra các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cá thương phẩm thu hoạch đạt yêu cầu các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm: dư lượng kháng sinh, độc tố nấm, dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng kim loại nặng, vi sinh vật.
- Khi thu hoạch cá, cơ sở phải sử dụng loại ngư cụ phù hợp, thực hiện đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật đảm bảo chất lượng và không làm hư hại sản phẩm.
- Trước khi thu hoạch giảm cho ăn từ 2-3 ngày và ngày cuối cùng ngừng cho cá ăn. Dùng lưới thu hoạch từ từ cho đến hết. Thu hoạch trong một thời gian ngắn sẽ giảm tỷ lệ hao hụt.
Thu hoạch cá phải áp dụng theo tiêu chuẩn ngành. Ảnh: phbcz
9. Tổ chức trang trại nuôi cá
9.1. Liên kết cộng đồng
Thành lập các câu lạc bộ nông dân với khoảng 10-20 hộ tùy theo quy mô của họ. Tạo mối liên hệ giữa các hộ nuôi cá thông qua các cuôc gặp gỡ hàng tuần.
Thiết lập mối liên hệ giữa nhà cung cấp dịch vụ và hộ nuôi cá thông qua các cuộc gặp hàng tuần. Ký hợp đồng với các trại sản xuất giống, để họ cung cấp giống cá chuẩn.
Thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa các hộ nuôi cá để hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật. Tổ chức các chuyến thăm quan chéo giữa các câu lạc bộ để trao đổi thông tin.
9.2. Tập huấn
Các lao động kỹ thuật nuôi Cá thâm canh theo quy phạm thực hành nuôi tốt của trang trại cần được tập huấn về lý thuyết và thực hành trên ao lồng/bè nuôi cá.
Liên kết và hợp tác với các Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư các cấp, các Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản để được thường xuyên cung cấp những thông tin mới nhất về công nghệ sản xuất Cá giống và thương phẩm.
Cần tổ chức tập huấn về về lý thuyết và thực hành trên ao lồng/bè nuôi cá. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.
10. Hạch toán kinh tế
10.1. Tính toán hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế của nuôi thâm Cá Rô phi là nâng cao khối lượng và chất lượng cá thương phẩm nhưng hạ giá thành, người nuôi cá có lãi.
Nhiều yếu tố để cấu tạo nên giá thành sản phẩm. Do đó khi phân tích giá thành người ta tìm hiểu và nghiên cứu từng yếu tố để tác động làm giảm chi phí của yếu tố đó để giảm giá thành.
10.2. Những yếu tố chính tạo thành giá thành nuôi cá
Phần chi: Giống; thức ăn; khấu hao ao lồng/bè; công chuẩn bị ao lồng/bè nuôi; thuốc hóa chất, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường; năng lượng hoạt động quạt nước, máy nén khí; xét nghiệm bệnh; xét nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP; nhân công chăm sóc cá; quản lý phí; các khoản thuế; lãi xuất vay vốn ngân hàng.
Cần tính toán hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi. Ảnh: antpkr
+ Chi phí thức ăn là bao gồm thức ăn tự nhiên và thức ăn tự chế biến hoặc thức ăn viên nổi công nghiệp. Để giảm chi phí thức ăn cần:
- Giai đoạn đầu nuôi ao cần bón gây màu để làm tăng thức ăn tự nhiên, giúp cá sinh trưởng nhanh.
- Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, những nguyên liệu có giá tiền thấp, nhưng có giá trị dinh dưỡng cao.
- Tăng cường chế biến thức ăn để nâng giá trị sử dụng và tỷ lệ tiêu hóa thức ăn.
- Cho cá ăn theo “4 định” số lượng, chất lượng, thời gian và vị trí cho ăn để giúp cho cá sử dụng thức ăn hợp lý và giảm chi phí tiền thức ăn.
11. Hồ sơ và lưu trữ hồ sơ
11.1. Nhật ký ghi chép
- Các yếu tố đầu vào: giống thức ăn, hóa chất sử dụng
- Thông số trong quá trình nuôi: thời gian thả cá, thu hoạch; các thông số môi trường; thông số sinh trưởng; sức khỏe cá; biện pháp xử lý...
11.2. Lưu trữ hồ sơ:
- Văn bản pháp lý: luật lệ Nhà nước, chứng nhận chủ quyền, bằng cấp, chứng chỉ đào tạo
- Nhật ký và các biểu mẫu ghi chép
- Năng suất, sản lượng hiệu quả kinh tế
- Hồ sơ kiểm nghiệm thức ăn; thuốc, hóa chất và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường; xét nghiệm bệnh.
- Giấy chứng nhận sản phẩm.
- Hợp đồng, Hóa đơn, chứng từ mua thức ăn, thuốc hóa chất và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường…
- Hợp đồng, hóa đơn bán sản phẩm