Kết quả sản xuất nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là các đối tượng chủ lực tôm và cá tra.
Diện tích NTTS cả nước trong năm 2017 đạt 1,103 triệu ha, bằng 103,1% so với năm 2016. Sản lượng NTTS đạt hơn 3,8 triệu tấn, bằng 105,47% so với năm 2016. Đối với sản phẩm cá tra, diện tích nuôi năm 2017 ước đạt 5.222 ha, tăng 4,5% so với năm 2016. Sản lượng cá tra ước đạt 1,25 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1.785 triệu USD, tăng 4,07% so với năm 2016.
Diện tích nuôi tôm nước lợ tính đến ngày 29/12/2017 là 722.360ha, bằng 103,9% so với năm 2016. Trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 622.394ha, bằng 103,7% so với năm 2016. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 99.967ha, bằng 106,1% năm 2016. Sản lượng tôm ước đạt 688.987 tấn, bằng 104,8% năm 2016, trong đó sản lượng tôm sú là 261.623 tấn, bằng 99,2% so với năm 2016, tôm thẻ chân trắng là 427.364 tấn, bằng 108,6% năm 2016.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng tôm và cá tra đạt 5,647 tỷ USD, chiếm hơn 67,2% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản.
Kế hoạch năm 2018, Vụ NTTS đặt chỉ tiêu diện tích NTTS đạt 1,3 triệu ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 725.000ha, cá tra là 5.200ha. Sản lượng nuôi đặt kế hoạch đạt 4,0 triệu tấn, tăng 3,7% so với sản lượng ước thực hiện năm 2017, trong đó sản lượng tôm nước lợ là 720.000 tấn, tăng 13,1% so với năm 2017, trong đó sản lượng tôm sú đạt 290.000 tấn, tăng 4,7% so với 2017, sản lượng tôm thẻ chân trắng là 430.000 tấn, tăng 0,7% so với năm 2017 và sản lượng cá tra là 1,3 triệu tấn, tăng 4,0% so với năm 2017.
Đối với kế hoạch năm 2018, đồng chí Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh vai trò nặng nề của Vụ trong việc thực hiện các kế hoạch tăng trưởng ngành trong năm 2018. Để làm được điều đó, Vụ cần huy động sức mạnh tổng hợp, tận dụng năng lực và sức sáng tạo của không chỉ bộ máy lãnh đạo và cán bộ trong Vụ mà còn cần huy động nguồn lực từ bên ngoài; Chú trọng vai trò tham mưu, chỉ đạo điều hành và ban hành văn bản của cơ quan quản lý nhà nước; Xác định rõ cơ hội, thách thức, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, Vụ cần xây dựng kế hoạch chỉ đạo toàn diện trên diện rộng cả về đối tượng nuôi và vùng nuôi; đối với các đối tượng chủ lực, cần tập trung các vấn đề then chốt như con giống, quan trắc cảnh báo môi trường, quy hoạch vùng nuôi có tính đến yếu tố đầu ra của sản phẩm, chú trọng công tác rà soát, sửa đổi văn bản cho phù hợp, xây dựng văn bản dưới luật hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ. Đặc biệt, Vụ cần tham mưu thành lập tổ công tác đặc biệt chỉ đạo hoạt động NTTS tại các tỉnh phía Nam và 1 tổ công tác thanh tra đột xuất các yếu tố quan trọng của NTTS như con giống, vật tư đầu vào…