Vẫn hiểu sai về Nghị định 67
Ngày 25.11 tới, chiếc tàu hậu cần phục vụ khai thác xa bờ đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận được đóng mới theo chương trình vay vốn của Nghị định 67 sẽ chính thức ra khơi chuyến đầu tiên. Ngư dân Nguyễn Đức Hải (xã Mỹ Tân, huyện Ninh Hải) - chủ tàu cho biết: “Khi biết được vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67, tôi quyết định gom góp tất cả vốn liếng nghề cá hơn chục năm nay để tham gia. Sau khi làm thủ tục vay và đáp ứng đủ điều kiện, tôi được tỉnh tổ chức đi tham quan cơ sở đóng tàu ở Nha Trang để lựa chọn mô hình tàu mới. Rồi tôi quyết định chọn đóng một tàu hậu cần phục vụ khai thác xa bờ với hạn mức tín dụng 7,9 tỷ đồng bằng vật liệu composite”.
Con tàu mới của ngư dân Nguyễn Đức Hải là 1 trong 13 trường hợp được UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt đủ điều kiện tham gia vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67. Theo ông Đặng Ngọc Ba - Giám đốc Agribank Ninh Thuận, thực tế từ khi triển khai Nghị định 67 đến nay, có tới khoảng 300 trường hợp ngư dân đăng ký tham gia. Tuy nhiên khi thẩm định hồ sơ, ngân hàng thấy chỉ có 17 trường hợp đủ điều kiện. “Tiêu chuẩn xét duyệt của ngân hàng không chỉ dựa vào số vốn đối ứng của ngư dân bỏ ra, mà chúng tôi còn căn cứ vào kinh nghiệm, năng lực phát triển kinh tế của chủ tàu”- ông Ba nói.
Theo ông Ba, thời gian qua đa số ngư dân khi làm hồ sơ đăng ký đều cho rằng đóng tàu theo Nghị định 67 mục tiêu chính chỉ là để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thực tế, nhiệm vụ này là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi ngư dân; còn nếu họ không có chiến lược, kinh nghiệm để khai thác xa bờ thì việc đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng tàu khá mạo hiểm cho cả kinh tế nhà nước lẫn kinh tế của chính ngư dân.
Ngoài việc chưa hiểu rõ mục tiêu của Nghị định 67, đa số ngư dân cũng “ngại” tham gia chương trình vì vốn đối ứng. Theo quy định, mức vốn đối ứng được quy định là từ 5-30%, tùy từng loại tàu. Tương ứng với thực tế thì chủ tàu phải đảm bảo mức vốn đối ứng từ 450 triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng/tàu khi vay vốn theo Nghị định 67. Để có được mức vốn đối ứng trên, chủ tàu phải dựa vào thế chấp tài sản nhà đất hoặc tàu cá đang sử dụng. Tuy nhiên, do hầu hết giá trị nhà đất hoặc tàu cá mà ngư dân đang sử dụng có giá trị thấp nên thủ tục pháp lý để vay vốn không đảm bảo, dẫn đến không ít trường hợp không được duyệt hồ sơ.
Thiếu hướng dẫn chi tiết
Tại tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh này đã phê duyệt tới 149 tàu đủ điều kiện tham gia vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, gồm: Đóng mới 24 tàu hậu cần khai thác hải sản xa bờ; đóng mới 92 tàu khai thác hải sản xa bờ; nâng cấp 33 tàu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có 12 chủ tàu, phía ngân hàng thương mại không liên lạc được; 112 tàu thì phía ngân hàng đã tiếp cận được chủ tàu nhưng chưa nhận được hồ sơ vay vốn; chỉ có 25 tàu tiếp cận được nguồn vốn vay theo Nghị định 67.
Theo ghi nhận của NTNN, trong 25 chiếc tàu tiếp cập được nguồn vốn vay theo Nghị định 67 tại tỉnh Bình Thuận, đến thời điểm hiện tại mới giải ngân được cho 15 chiếc tàu với 74,3 tỷ đồng (số tiền trên hợp đồng tín dụng là 97,3 tỷ đồng).
Tương tự, tại tỉnh Ninh Thuận, có 17 tàu đăng ký đóng mới, trong đó có 13 trường hợp đủ điều kiện đã được UBND tỉnh phê duyệt, còn 4 trường hợp đang còn chờ tỉnh duyệt. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại mới có 8 tàu được giải ngân với dư nợ hơn 28,6 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư là hơn 70,8 tỷ).
Đáng chú ý, tất cả các dự án đóng tàu, nâng cấp tàu của ngư dân ở Ninh Thuận, Bình Thuận theo Nghị định 67 đều do Agribank triển khai 100%, mà chưa có bất cứ sự tham gia của 4 ngân hàng nhà nước còn lại. Giải thích nguyên nhân hiện nay chỉ có Agribank tham gia chương trình, ông Trần Ngọc Phận - Phó phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) cho biết có thể do phía Agribank có mạng lưới rộng, gắn với địa bàn nông thôn lâu năm, nên việc hướng dẫn làm thủ tục vay vốn đơn giản đơn... Cũng theo ông Phận, quy trình thẩm định tất cả hồ sơ cũng chỉ gói gọn trong 30 ngày, nên không có chuyện thủ tục nhiêu khê. “Việc nhiều ngư dân xin vay vốn đóng tàu không được duyệt chủ yếu là do chưa đủ năng lực” - ông Phận nhận định.
Lý giải việc giải ngân chậm, ông Huỳnh Tấn Nam - Phó Giám đốc Agribank tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Chương trình này được giải ngân từng phần trực tiếp cho phía đơn vị đóng tàu theo tiến độ chứ không phải giải ngân cho ngư dân. Theo đó, căn cứ trên hợp đồng, khi ngư dân đóng đối ứng cho đơn vị đóng tàu bao nhiêu thì ngân hàng giải ngân đến đó. Dù vậy quy trình này cũng chỉ kéo dài trong 5-6 tháng là hoàn tất chứ cũng không kéo dài, tất cả đều phụ thuộc vào vốn đối ứng của ngư dân.
Trên thực tế, vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến ngư dân khó tiếp cận Nghị định 67, trong đó quan trọng là ở khâu thiết kế mẫu tàu. Theo ông Đinh Thế Mẫn- Giám đốc Agribank huyện Ninh Hải, ngư dân muốn đóng tàu phù hợp với ngư trường đã quen để điều khiển con tàu được tốt nhất, nên vô hình trung làm kéo dài thời gian và phát sinh phí điều chỉnh thiết kế đối với chủ tàu. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc thương thảo, thỏa thuận hợp đồng vay vốn giữa chủ tàu và các ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn vì chưa thống nhất được cách tính toán đánh giá phương án vay vốn khi chưa có thiết kế tàu, dự toán chi phí, hợp đồng đóng tàu…
“Nghị định 89 mới ra gần đây có rất nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với Nghị định 67 theo những kiến nghị của địa phương và các bộ, ngành liên quan. Đây là những tín hiệu tốt cho ngư dân nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nên cũng chưa biết triển khai ra sao” - ông Mẫn nói.
Trong 15 chiếc tàu đầu tiên của tỉnh Bình Thuận được đóng mới theo Nghị định 67 thì có tới 14 chiếc đóng bằng gỗ, chỉ 1 chiếc tàu thép. Một khó khăn không nhỏ cho ngư dân và cả các ngân hàng khi 21 mẫu tàu của Bộ NNPTNT chỉ là mẫu tàu sắt mà không có mẫu tàu gỗ và composite.